Hến là một thực phẩm chứa nhiều vitamin B12 và sắt, rất tốt cho những người thiếu máu, nó cũng ít chất béo, ít cholesterol và nhiều axit béo omega-3 thích hợp cho người bệnh tim mạch. Thành phần dinh dưỡng trong 100g thịt hến có 12,77g chất đạm, 13,9mg chất sắt, 0,245mg chất đồng…
Theo y học cổ truyền thịt hến tên là nghiễn nhục, có vị ngọt, mặn, tính lạnh, không độc, có tác dụng hoạt tràng, thông khí, mát gan, giải độc, lợi tiểu. Theo Sách Nam dược thần hiệu: Vỏ hến (nghiễn xác) chứa chất chitin như trong vỏ trai sông, có vị mặn, tính ấm, không độc, có tác dụng cố tinh, làm se, long đờm, chống nôn.
Sau đây là một số bài thuốc từ hến
Chữa di tinh, đái đục: Vỏ hến nung và hoàng bá sao với lượng bằng nhau, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần một thìa cà phê.
Chữa ra nhiều mồ hôi: Các triệu chứng kèm theo là mệt mỏi, chán ăn…: Chọn các con hến tươi, mẩy, ngâm vài giờ cho nhả hết chất thải. Luộc chín, lấy phần thịt và nước luộc trên đem nấu canh chua với quả sấu hoặc me, rau thì là hoặc đem nấu cháo cho trẻ ăn. Mỗi lần, có thể dùng 20 – 30g thịt hến.
Chữa chứng ra mồ hôi trộm ở trẻ: Hến 100g, sò biển 100g, gạo 50g, rễ cây hẹ 3g, gia vị vừa đủ. Sò, hến đem rửa sạch, hấp cách thủy rồi bỏ vỏ, ruột thái nhỏ, uớp bột gia vị. Rễ cây hẹ rửa sạch giã nhỏ lọc lấy 200ml nước. Gạo xay nhỏ mịn cho vào nước rễ cây hẹ quấy đều, đun nhỏ lửa. Khi cháo chín cho sò biển và hến vào đảo đều, cháo sôi lại là được. Ăn ngày một lần lúc đói. Cần ăn liền 3-5 ngày.
Chữa dương suy, ít tinh: Thịt hến 300g, lá hẹ 100g, dầu ăn 50ml, gia vị, mỳ chính đủ dùng. Đổ dầu vào chảo, đun nóng già, cho hến vào xào tới săn, lá hẹ rửa sạch, cắt khúc đảo cùng thịt hến sau 5 phút bắc ra ăn nóng.
Chữa đại tiện phân lỏng do nóng gây nên: Vỏ hến 100g, lá bưởi 50g. Vỏ hến nung thành vôi, lá bưởi sấy khô, cả hai tán bột mịn, mỗi lần uống 9g với nước sôi để nguội, ngày uống 3 lần, dùng liền 3-5 ngày.
Chữa chứng hay đái đêm: Thịt hến 30 – 50g, thịt lợn nạc 200g. Tất cả ninh nhừ, thêm muối đủ đậm. Ăn trong ngày.
Bác sĩ Trần Thị Hải
(theo suckhoedoisong)