>> Luân hồi đầu thai ở VN: trường hợp bé Quyết Tiến
>> Tiếp câu chuyện: Luân hồi đầu thai tại Việt Nam
Câu chuyện “đầu thai” của cậu bé Nguyễn Phú Quyết Tiến ở Vụ Bản mà chúng tôi đã ghi lại trong chuyến công tác Hòa Bình, theo TS.KTS.Vũ Thế Khanh, tổng giám đốc Liên Hiệp Khoa học Công nghệ – Tin học Ứng Dụng (UIA) không phải là hiếm.
Ông Khanh cho hay, chương trình “nghiên cứu về ngoại cảm và các khả năng đặc biệt” do UIA kết hợp với Viện khoa học hình sự, Bộ Công An, Trung tâm bảo trợ Văn Hóa kỹ thuật Truyền Thống cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp “đầu thai” ở Việt Nam. Dưới đây là một trong những câu chuyện ông Khanh chia sẻ với phóng viên:
TS.KTS. Vũ Thế Khanh |
Câu chuyện xảy ra vào khoảng năm 1990 tại làng Tân Việt ở Cà Mau (vùng Đầm Dơi). Ở đây có một gia đình gồm hai vợ chồng và 3 người con. Người cha trong gia đình này là ông Cả Hiêu. Cô con gái trong gia đình được ông Hiêu rất mực cưng chiều, nhưng không may, cô bị bệnh và qua đời lúc 19 tuổi. Cả nhà ai cũng đau buồn, thương xót, ông Cả Hiêu thì như điên như dại.
Câu chuyện không chấm dứt ở sự qua đời của cô gái mà lại là chuyện bắt đầu. Cách làng Tân Việt khoảng 100 cây số là làng Vĩnh Mỹ, Bạc Liêu cũng có một cô gái bị bệnh (cùng thời gian với cô con gái ông Cả Hiêu) và qua đời.
Người nhà khóc lóc lo việc khâm liệm thì bất ngờ ngày hôm sau cô gái sống lại, làm mọi người vừa mừng vừa sợ, cô gái tự nhiên mạnh khỏe, như không có gì gọi là đau ốm gì cả. Điều lạ lùng là từ khi sống lại, cô gái này cứ một mực đòi người trong gia đình đưa cô đến nhà ông Cả Hiêu.
Mọi người trong nhà đều hết sức ngạc nhiên vì không biết ông Cả Hiêu là ai. Khi hỏi cô gái thì cô cho biết cha của cô chính là ông Cả Hiêu, người làng Tân Việt. Người nhà hết sức lo lắng nghĩ rằng cô có bệnh. Nhưng cô gái vẫn khăng khăng đòi đi gặp cha mình và bảo rằng cô biết đường đến nhà ông Cả Hiêu. Cô mô tả đường đi, tả ngôi làng, tả cái nhà, số nhà từng chi tiết và kể về những người nhà ông Cả Hiêu nữa. Cô gái bảo ông bà Cả Hiêu là cha mẹ ruột của mình, cuối cùng cha mẹ cô gái buộc lòng phải cùng đi theo chuyến xe đò đến làng Tân Việt để tìm hiểu thực hư.
Khi đến bến xe, mọi người xuống xe còn đang bỡ ngỡ không biết đi theo hướng nào để về nhà ông Cả Hiêu thì cô gái nói: “Đừng có ngại, để con dẫn đường cho”. Thế rồi khi đến cổng nhà ông Cả Hiêu, cô gái tỏ vẻ mừng rỡ vô cùng và chạy nhanh vào nhà. Cô gái chạy lại ôm chầm lấy ông Cả Hiêu vừa khóc vừa nói: “Ba ơi, con đây ba ơi!”.
Hai vợ chồng ông Cả Hiêu còn đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra thì vừa lúc cha mẹ cô gái bước vào nhà kể lại chi tiết câu chuyện cho vợ chồng ông Cả Hiêu nghe. Ông Cả Hiêu lấy làm lạ, cũng kể lại chuyện con gái mình bị bệnh qua đời cho cha mẹ cô gái nghe. Ông còn chỉ tay lên bàn thờ có đặt tấm ảnh của cô gái con ông. Trong khi đó cô gái mới đến cứ đi lại trong nhà tự nhiên như là người đã ở đó lâu lắm rồi.
Câu chuyện đã đến hồi kết thúc khi sự kiện đã rõ ràng; cô gái nhất quyết ông bà Cả Hiêu là cha mẹ mình và ông bà Cả Hiêu cũng chấp nhận điều đó vì cô gái nói rõ những chi tiết mà ngoài con gái ông Cả Hiêu ra khó ai có thể biết rõ chuyện gia đình ông bà. Thế là hai gia đình kết thân với nhau. Dân chúng hai vùng Cà Mau, Bạc Liêu biết được một chuyện lạ lùng hãn hữu.
“Hiện tượng tái sinh không phải là mê tín”
TS.Khanh cho biết, ở nhiều nước trên thế giới, “tái sinh” còn mang cả hình ảnh của quá khứ (trong sinh học gọi là Lại giống) và những câu chuyện tương tự như bé Tiến hay con gái ông Cả Hiêu. Chính vì thế, theo ông, hiện tượng “tái sinh” cần được nhìn nhận và nghiên cứu trước khi khẳng định hoặc phủ định.
“Chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo khoa học về tâm linh trong thời gian sắp tới. Hiện tượng “đầu thai, tái sinh” cũng được đưa ra thảo luận”.
Ông Khanh khẳng định, không thể coi “đầu thai” là hiện tượng mê tín dị đoan mà chỉ nên coi nó là hiện tượng khó lý giải mà khoa học chưa thể với tới được.
“Trên thực tế những câu chuyện về “tái sinh” vẫn tồn tại bất chấp chúng ta có tin hay không. Có người thật, việc thật nếu phủ định hoàn toàn thì đó chính là mê tín cực tả (thái độ chủ quan, coi nhận thức của mình là cao nhất, đúng nhất, coi những hiện tượng mình không biết là không đúng, không có thật). Tuy nhiên, cũng không nên để mình rơi vào trạng thái mê tín cực hữu (tin mê muội, không cần biết đúng sai). Đó chính là nguyên nhân sinh ra những chuyện lừa đảo, mị dân, những dị nhân hoang tưởng bịp bợm…”.
Lê Trang
Theo Bưu Điện Việt Nam