Chọn những chủ đề rất thân quen từ thịt chó chợ Ông Tạ, các món đặc sản của Việt Nam, cầu cá tra miền Tây… cho đến các đối cực lớn như Sài Gòn – Frankfurt, các biểu tượng về thời gian, danh nhân… để làm tác phẩm. Triển lãm Hai cực của Khải Đoàn (sinh 1972) là một cuộc thiết đặt về ý niệm, nhằm tỏ bày kinh nghiệm của cá nhân trong suốt quá trình tiếp xúc với nghệ thuật sơn mài.
Dipolar là khái niệm vật lý, quen dịch là “lưỡng cực”, nhưng Khải Đoàn muốn dịch “hai cực” để vừa gần vật lý vừa gần hội họa – đi chính giữa thì tốt hơn; đây cũng là mối dây liên hệ và đối kháng của chính anh với chất liệu, với chủ đề này. Chất liệu sơn mài với Khải Đoàn vốn đã hai cực: gồm sơn và mài; nhanh và chậm; mới vẽ nhưng giống như cũ; ẩm và khô; sâu và phẳng… Đặc biệt, dù là người Việt nhưng anh lại lớn lên và học mỹ thuật ở Đức, sơn mài hoàn toàn xa lạ, chỉ khi về Việt Nam thử qua các chất liệu, từ khắc gỗ, lụa, bột màu… cho đến sơn mài, thì mới bị chất liệu này thu hút, rồi trở thành quen thuộc. Hai cực trong một nghĩa nào đó là cuộc tiếp nối ý tưởng của triển lãm cá nhân Liên doanh (Joint Venture), cũng về sơn mài, mà Khải Đoàn đã thực hiện năm 2005, vì liên doanh cũng phải cần có hai cực. Tuy nhiên, nếu Liên doanh hướng ngoại thì Hai cực lại hướng nội, tất cả những hình ảnh, những ý niệm mà anh muốn tỏ bày dường như đi ra từ nội tâm khi các cảm nhận về chất liệu đã chín muồi, gần gũi hơn.
Với 30 bức tranh sơn mài, chủ yếu khổ lớn, và xếp theo bộ, Khải Đoàn cố ý phô diễn tính chất hai cực trong xã hội đương đại, phô diễn nội tâm của người đi giữa hai nền văn hóa. Mới – cũ, trong – ngoài, ra – vào, trẻ – già, xa – gần, đẹp – xấu, quý – tiện… vừa là ý niệm, vừa là cách đặt tên các tác phẩm tại triển lãm này.
(theo thethaovanhoa)