ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Kẹt giữa “cuộc chiến” mẹ và vợ
Thursday, December 2, 2010 15:09
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Vừa mở cửa vào nhà, anh Tùng đã nghe mẹ ’kể tội’ vợ một tràng dài. Mệt mỏi lê bước lên gác với vợ, anh lại thấy chị thút thít than khó sống vì mẹ chồng quá đáng.

“Vợ mình mang bầu tháng thứ 7, ở nhà với bố mẹ mình. Mình đi làm xa cuối tuần mới về. Hồi mới cưới mình háo hức về nhà bao nhiều thì bây giờ mình sợ việc đó bấy nhiêu. Tuần nào cũng như tuần nào, hết nghe mẹ trách vợ, lại đến vợ ấm ức nói không hay về mẹ. Mình bế tắc không biết làm sao cho ổn”, anh Tùng (Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội) kể.

Anh cho biết, mâu thuẫn giữa mẹ và vợ anh thật ra chỉ xoay quanh những vấn đề nhỏ nhặt. Mẹ anh là người rất tiết kiệm, lại khá khắt khe. Vợ anh từ hồi có thai hay mệt, ăn ít, lại không hợp với cách nấu của mẹ chồng nên thường xuyên không ăn cơm nhà, xin phép ăn luôn bên nhà ngoại, gần chỗ làm cho tiện. Mẹ chồng không đồng ý nhưng chẳng nói thẳng, cứ làm mặt lạnh rồi kể với cô em chồng, hàng xóm. Con dâu biết vậy bực bội, lại thêm tủi thân vì không có chồng bên cạnh nên về đến nhà là mặt mũi bí rồi chui ngay vào phòng riêng.

“Mình biết mẹ cũng có lý mà vợ cũng không sai hoàn toàn. Nhưng bênh bên nào mình cũng chết. Bây giờ không khí gia đình căng lắm. Vợ đang đòi sang hẳn nhà ngoại chờ sinh. Mẹ thì giận nói cô ấy không coi nhà chồng ra gì. Mình đau đầu và chán quá”, anh Tùng than thở.

 Kẹt giữa ’cuộc chiến’ mẹ và vợ - Tin180.com (Ảnh 1)

Anh Ngọc (Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội) cũng rơi vào thế bí khi vợ và mẹ không hòa thuận. “Cuộc chiến” trong gia đình anh xuất hiện từ khi cậu con trai đầu lòng chào đời. Những khác biệt về cách chăm sóc, dạy dỗ cậu quý tử khiến mẹ và vợ anh như nước với lửa, lúc nào cũng hậm hực với nhau. Là biên tập viên của một tạp chí, vợ anh luôn tự tin về những kiến thức của mình trong việc nuôi dưỡng trẻ, trong khi mẹ chồng lại luôn làm theo những kinh nghiệm từ xưa. Với tính hiếu thắng của nàng dâu, cộng sự bảo thủ của mẹ chồng, đứa trẻ càng lớn, mâu thuẫn giữa hai người càng tăng.

Trong những cuộc chiến đó, anh Ngọc luôn ở thế “quan tòa” bất đắc dĩ. Thế nhưng, anh chẳng biết phải phân xử thế nào nên thường tìm cách tránh né và ậm ừ cho qua chuyện. Thế nhưng, mọi việc ngày càng tệ, vợ anh nhất định đòi ở riêng, mẹ chồng cũng kiên quyết bắt con trai ly dị vợ vì không thể chịu được “con dâu hỗn láo”.

“Bây giờ cô ấy đã dắt con ra ngoài rồi. Tôi không thể bỏ mẹ một mình được nên khi thì về với mẹ, lúc lại phải chạy tới với vợ con, bi đát quá”, anh Ngọc nói.

Chuyên viên tư vấn tâm lý Anh Thơ, đường dây tư vấn Tình yêu – hôn nhân – gia đình Thanh Tâm, tổng đài 1088 cho biết, rất nhiều nam giới từng gọi điện tới tâm sự về tình trạng khó xử, mệt mỏi của mình khi đứng giữa mẹ và vợ.

Nhiều người trong số họ là những chàng trai mới lập gia đình nên lúng túng trước mâu thuẫn giữa hai người đàn bà gần gũi nhất. Cũng có những người chồng lớn tuổi chỉ gọi để thổ lộ nỗi niềm vì quá mệt mỏi trước mối quan hệ phức tạp trong gia đình.

“Khi mẹ chồng nàng dâu mâu thuẫn, anh chồng thường hết sức khổ sở và khó xử. Họ không chỉ phải đứng giữa mẹ và vợ – hai người phụ nữ mình yêu thương nhất, mà còn chịu nhiều sức ép từ phía dư luận. Họ sợ nếu bênh vợ sẽ mang tiếng con bất hiếu, còn đứng về phía mẹ sẽ bị dè bỉu là người đàn ông bạc nhược, không bảo vệ được vợ con”, chuyên viên Anh Thơ phân tích.

Cũng vì tâm lý này mà nhiều ông chọn cách đứng ngoài cuộc, để mặc hai người phụ nữ của mình “tự xử”. Cách này rõ ràng là không thể giải quyết vấn đề. Một số khác lại đứng về một phía, đổ lỗi cho phía kia, khiến mâu thuẫn giữa hai người đàn bà càng trầm trọng và chính họ cũng phải gánh chịu hậu quả.

Theo bà Thơ, để giải quyết mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu, người đàn ông có vai trò rất quan trọng. Bởi thực tế hai người phụ nữ kia vốn hoàn toàn xa lạ, khác biệt, lại cùng yêu và muốn củng cố ảnh hưởng của mình với một người đàn ông, nên chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” rất dễ xảy ra. Khi đó, người chồng vừa phải là cầu nối giúp mẹ và vợ hiểu nhau, vừa là một người phân xử công minh, khách quan, biết khi nào cần lên tiếng, lúc nào nên im lặng.

“Người đàn ông cần có tâm thế chủ động trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa mẹ và vợ. Tốt nhất, bạn hãy giúp vợ hiểu về tính cách của mẹ trước khi nàng về làm dâu. Khi có mâu thuẫn xảy ra, trước mặt có thể bênh mẹ nhưng sau đó cần an ủi, vỗ về vợ, phân tích để vợ hiểu và thông cảm cho vai trò làm con của mình”, bà Anh Thơ chia sẻ.

Theo bà, đáng tiếc là đa số nam giới khi vướng phải rắc rối này thường quên việc tìm hiểu kỹ nguyên nhân dẫn đến bất hòa giữa mẹ và vợ (do tính cách trái ngược, vì “ghen” với nhau, hay một lý do nào khác…) để tìm cách hóa giải tốt nhất. Đôi khi, ở riêng lại là giải pháp giúp họ dung hòa hai mối quan hệ.

“Khi bạn thể hiện được vai trò là một người đàn ông thực sự trưởng thành trong gia đình, mẹ sẽ tôn trọng và ít can thiệp vào cuộc sống của bạn hơn, người vợ cũng sẽ nể phục chồng và không ngại cùng chồng gánh vác mọi việc, trong đó có việc báo hiếu bố mẹ. Hơn nữa, hãy giải quyết mọi mâu thuẫn ngay từ khi nó mới xuất hiện, đừng để khi nó trở nên trầm trọng mới đau đầu nghĩ cách”, bà Anh Thơ nói.

(theo vnexpress)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.