Tàu vũ trụ Voyager 1 đã tiến tới rìa của Thái Dương Hệ sau cuộc hành trình kéo dài 33 năm, đánh dấu một bước tiến lớn trong lịch sử thám hiểm không gian của loài người.
Tàu vũ trụ Voyager 1. Ảnh: spacetoday.org.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phóng Voyager 1 vào năm 1977. Sau đó nó bay qua sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương.
Với tốc độ gần 61.000 km/h, hiện tại Voyager 1 cách mặt trời khoảng 17,28 tỷ km, Telegraph cho hay. Với khoảng cách đó, nó là vật thể nhân tạo xa địa cầu nhất.
Ở rìa Thái Dương Hệ, vận tốc của gió mặt trời – hay những luồng hạt mang điện tích – giảm xuống bằng không.
NASA thông báo sau 4 năm nữa phi thuyền có khối lượng 722 kg sẽ thoát khỏi Thái Dương Hệ và tiến vào không gian liên sao – vùng chịu tác động của cả mặt trời và hệ sao lân cận. Theo NASA, việc Voyager 1 thoát ra khỏi Thái Dương Hệ là “một bước tiến lớn” trong hoạt động thám hiểm vũ trụ.
Các nhà khoa học của NASA nhận thấy tốc độ gió mặt trời xung quanh Voyager 1 giảm dần xuống mức không từ hồi tháng 6 năm nay, nhưng họ cần tới vài tháng để xác nhận điều đó.
Kết quả nghiên cứu của họ được trình bày trong một cuộc họp của Liên minh Địa vật lý Mỹ tại thành phố San Francisco.
Rob Decker, một nhà khoa học của Đại học Johns Hopkins, nói rằng Voyager 1 xa trái đất đến nỗi tín hiệu của nó cần 16 tiếng để trở về trung tâm điều khiển.
Voyager 2, con tàu được phóng cùng với Voyager 1, di chuyển với tốc độ thấp hơn và đang cách mặt trời gần 15 tỷ km.
(theo vnexpress)