Họ đang kiếm miếng ăn cho cả gia đình…
Bãi biển Cần Giờ những ngày cuối đông, tận hưởng niềm vui du lịch không trọn vẹn của mình, tôi chạnh lòng trước thân phận của họ – những con người đại diện cho cái khổ, cái nghèo.
Trong không khí vui vẻ, ồn ào của những thực khách từ khắp nơi đổ về, họ lặng lẽ như một cái bóng… Đi tới đi lui, dưới cái nắng chang chang. Họ nhặt nhạnh những vỏ lon bia, chai nước suối – những thứ mà người khác cho là rác quăng ngổn ngang dưới chân. Song, với họ, đó là cả một buổi cơm, là một manh áo lành lặn, là con đường thoát khỏi cái đói. Họ lang thang bên những bàn ăn của du khách, trên tay là bao bánh đa nướng to đùng, mấy bịch đậu phộng hoặc cả một rổ cá khô đầy ắp… Đi cả ngày, họ bán được bao nhiêu? Những người phụ nữ ấy, gác lại công việc nội trợ của mình, lê chân trên bãi biển, cũng với mong muốn thoát khỏi cái đói đang bao vây….
Bên cạnh những người trẻ đi cào nghêu là một cụ già. Bà hơn 70 tuổi, nhưng ngày ngày lại rảo bước trên bãi biển với cái bàn cào nặng nề, chăm chỉ như con ong hút mật. Bằng đôi chân trần, bà để lại những đường chỉ ngoằn nghèo trên mặt đất, và thu về cho mình vài ba con nghêu trong suốt cả buổi. Vẫn là dưới cái nắng chói chang, đôi mắt họ xa xăm, nhìn về phía biển.
Ở Cần Giờ, nguồn tài nguyên mà biển mang lại không đủ làm ấm no những con người nghèo đói. Trò chuyện với một trong số họ, tôi cay đắng nhận ra những vết chai sần, làn da rám nắng, khuôn mặt khắc khổ, thân hình gầy gò… đều là do tháng ngày quẩn quanh trên bãi biển.
Song, dù cực khổ như vậy, họ vẫn không đủ ăn. Những cái nghề mà tôi tạm gọi là tự phát trên bãi biển này là ước mơ về buổi cơm có thêm con cá, hay miếng thịt cho họ, có thêm chiếc áo mới, hay có thêm tấm tôl để lợp nhà – chống lại cái lạnh giá mà gió biển mang lại….
Họ vẫn vươn lên, để sống, để tồn tại, như cọng dây muống biển dưới cái nắng khô cằn, vẫn cố bò ra biển mong tìm giọt nước cho lá tươi xanh….
Nguyễn Uyên Đam
(theo my opera, tuvanonline)