ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Nỗi niềm sinh viên mưu sinh dịp Tết
Friday, January 28, 2011 8:54
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Trong khi bạn bè khăn gói về quê nhà vui xuân, Nhung tất tả chuẩn bị tới giúp việc cho một gia đình có con nhỏ ở thủ đô. Đây là năm thứ hai cô sinh viên trường nông nghiệp đi làm osin ngày Tết để kiếm tiền ăn học.

Tết đến, ai cũng mong được nghỉ ngơi sau một năm bận rộn, muốn được quây quần bên bạn bè, người thân. Thế nhưng, vẫn có những công việc cần nhân công trong dịp này như giúp việc gia đình, nhân viên trực tổng đài, nhân viên bán hàng ăn, bán hàng hội chợ, nhân viên phục vụ tại các khu vui chơi, giải trí… Tiền công làm trong những ngày này luôn gấp 3-4 lần ngày thường. Đây là cơ hội cho những sinh viên nghèo muốn kiếm thêm tiền trang trải cho kỳ học tiếp theo. Thế nên nhiều bạn quyết định không về quê ăn tết.

Trần Phương Nhung hiện là sinh viên năm 4 Đại học Nông nghiệp. Cô gái quê Phú Thọ cho biết, Tết năm ngoái, cô làm giúp việc cho một gia đình ở Giảng Võ, mỗi ngày được trả 150.000 đồng. Năm nay, Nhung cũng không về quê mà ở lại tiếp tục làm công việc này.

Nỗi niềm sinh viên mưu sinh dịp Tết - Tin180.com (Ảnh 1)
Không ảnh hưởng đến việc học tập, lại có thêm thu nhập và kinh nghiệm sống… là lý do khiến nhiều bạn sinh viên tỉnh lẻ chấp nhận xa gia đình để đi làm thêm vào dịp Tết. Ảnh minh họa: Hồng Cảnh.

“Lương giúp việc nhà ngày Tết năm nay cao hơn, em được trả tới 200.000 đồng mỗi ngày. Gia đình em làm nông, vất vả lắm, để có số tiền đó đâu dễ. Tết em chịu khó đi làm thì ra giêng sẽ có một khoản đóng học phí, trả tiền nhà trọ, đỡ được bao nhiêu cho bố mẹ. Mà ăn Tết cùng gia đình khác cũng có cái hay, vì mọi người rất quan tâm, lì xì rồi tặng quà nữa…”, Nhung tâm sự.

Cô sinh viên nhỏ nhắn này cho biết, dịp Tết này, không chỉ Nhung mà ở quê cô, nhiều người khác cũng muốn kiếm đồng ra đồng vào bằng việc làm thêm, thậm chí, một số em học sinh cấp 3 chỉ mong nhanh được nhà trường cho nghỉ Tết để lên Hà Nội kiếm việc.

“Bọn em có người cùng làng làm ở trung tâm môi giới việc làm nên ai muốn đi thì nói trước là người ta sắp xếp được luôn. Chỉ đi làm ít ngày mà được số tiền không nhỏ nên cũng ham”, Nhung nói.

Trường cho nghỉ Tết hôm trước, hôm sau, Khánh Duy, sinh viên năm 2 Đại học Thương mại Hà Nội đã xin vào làm cho Công ty TNHH Tiếng Vang Việt Nam để phục vụ Tết và ngày lễ tình nhân.

Duy cho biết, dịp này nhiều việc hơn nên công ty thuê sinh viên làm thời vụ, trước Tết thì đóng kẹo, dán tem sản phẩm, giao hàng, chở hàng, những ngày đầu năm mới thì đi giao hàng và phân phối sản phẩm chocolate phục vụ lễ tình nhân.

“Công việc cũng khá thú vị mà lại kiếm được kha khá. Thật ra, tự làm việc mình càng hiểu thêm sự vất vả của bố mẹ và trân trọng đồng tiền, cân nhắc kỹ hơn khi sử dụng nó. Mọi năm mình chỉ biết chơi bời với bạn bè thôi, Tết đến còn đi tụ tập tới khuya mới về, ít khi ở nhà. Năm nay, đi làm thêm qua Tết mình mới thấm ý nghĩa của sự quây quần bên gia đình”, chàng sinh viên thổ lộ.

Mấy năm gần đây, không ít sinh viên khi được nghỉ Tết không về quê ngay mà ở lại làm thêm. Có những bạn làm việc đến cận Tết thì về đón giao thừa và năm mới bên gia đình. Nhưng cũng có nhiều người ở lại qua Tết, đón những ngày đầu tiên của năm mới nơi xa quê.

Nguyễn Lan Hương, sinh viên năm 3 Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, cô được nghỉ Tết từ ngày 19 âm lịch, về quê với bố mẹ 3 ngày rồi lại lên Hà Nội làm thêm tiếp.

“Em chạy bàn phục vụ quán nhậu ở Trần Huy Liệu, mỗi ngày người ta trả 180.000 đồng, được hỗ trợ ăn trưa và ăn tối nữa. Hết tết tính ra cũng được gần 3 triệu. Về quê thì cũng chỉ đi chơi với bạn bè vài ngày là chán nên em ở lại làm kiếm tiền đỡ đần bố mẹ vẫn hơn…”, cô sinh viên quê Nam Định cho biết.

Đây là năm đầu tiên Hương xa nhà dịp Tết. Không được ở bên bố mẹ sắp mâm cơm đón giao thừa và nhận lì xì như những năm khác, cô gái trẻ cũng hơi chạnh lòng nhưng Hương vẫn mỉm cười đầy lạc quan vì xong đợt này, cô sẽ có những đồng tiền lương đầu tiên thật ý nghĩa của mình.

Cũng vì lý do này mà Phương Hạnh, Đại học Công đoàn, Hà Nội, năm nay quyết định sẽ không về quê với bố mẹ như mọi khi. Cô gái cho biết, ngày thường, ngoài thời gian học ở trường buổi sáng, Hạnh xin làm nhân viên chăm sóc khách hàng tổng đài Viettel vào ca chiều, mỗi tháng thu nhập khoảng hơn 2 triệu đồng, đỡ phải xin tiền bố mẹ.

Đợt Tết này, sau một hồi đắn đo, cô đã đăng ký xin ở lại trực tổng đài, với mức lương tết là 180.000 một ngày. Ngoài ra, nếu làm thêm giờ thì lương sẽ cao hơn nữa.

“Không chỉ có em mà cũng đông bạn ở lại trực tết lắm. Thực ra lúc đi làm thì cũng vui, nhưng lúc về thì xóm trọ vắng tanh, đường phố cũng không nhộn nhịp như ngày thường nên thi thoảng em cũng thấy buồn”, Hạnh chia sẻ.

Không phải vì muốn kiếm thêm, Đinh Toàn, học viên Học viện Quân y xin đăng ký trực tết ở Bệnh viện 103 vì… nhà xa quá. Quê Toàn tận Con Cuông, Nghệ An, đi về xe cộ tốn kém, lại thấy tết ở Hà Nội cũng có cái hay nên Toàn xin ở lại. Những học viên khác về quê từ ngày 24 âm lịch, Toàn đăng ký trực cả đợt Tết, được học viện trợ cấp hơn 2 triệu đồng.

“Năm nay là năm thứ 3 mình ở lại trực Tết rồi. Từ hồi ra Hà Nội học, có duy nhất năm ngoái mình về thôi. Ở lại cũng hơi buồn vì nhiều khi nhớ nhà lắm nhưng mọi thứ lại qua ngay ấy mà”, Toàn cười thân thiện cho biết.

Toàn kể thêm, những ngày trực Tết, bận rộn với những ca cấp cứu, cậu hầu như quên đi nỗi buồn của mình, mà hòa vào công việc, cảm thấy bản thân trưởng thành hơn, cảm nhận rõ ràng sự ấm áp của tình người khi ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.

Gương mặt rạng rỡ, Toàn kể lại, cậu nhớ nhất đợt Tết năm thứ 2 đại học. Hồi đó, khi sắp giao thừa thì một cô bạn cùng lớp dúi vội cho Toàn chiếc khăn len do cô ấy tự đan cùng một phong bao lì xì rồi chạy biến đi. “Mình mở bao lì xì ra, bên trong là mảnh giấy với nét chữ nắn nót ’Tớ đan tặng cậu chiếc khăn này, hãy luôn giữ nó bên mình nhé! Năm mới gửi đến cậu thật nhiều yêu thương…’. Mình cảm động lắm, sau đó hơn một tháng thì mình và cô ấy yêu nhau đến tận bây giờ, có rất nhiều sự cảm thông, chia sẻ và niềm vui. Tình yêu từ những ca trực Tết của mình đó…”, Toàn chia sẻ.

Cảnh Hồng
(theo vnexpress)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.