ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Ngày xuân nói chuyện cưới
Tuesday, February 8, 2011 10:18
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Trước khi bàn đến một lối mở cho loại hình lễ lạt kiểu này làm sao vừa phải, vui tươi, đầm ấm, nên tìm về tận gốc của các định dạng cưới xin hiện nay. Từ đó mới mong thấy được điều gì “sáng nước”…

Ngày xuân nói chuyện cưới - Tin180.com (Ảnh 1)
Tìm đâu hình bóng “văn hóa cưới” đích thực?

Cưới là gì?

Ở phần một đã lấp ló những định nghĩa khác nhau, khá xa lạ với ý nghĩa đích thực của ngày cưới, một loại ngày vui riêng tư của hai công dân và những người thân thích.

Đám cưới là nơi để ganh đua với những đám khác mà mình có thể.

Đám cưới là nơi để gồng mình lên khỏi tầm vóc, mức sống của mình.

Ngày xuân nói chuyện cưới - Tin180.com (Ảnh 2)

Đám cưới để thể hiện “đẳng cấp” của chủ sự (bao gồm đôi trẻ và có thể của cha mẹ họ khi họ có đủ, có dư điều kiện).

Đám cưới là cơ hội kiếm tiền cực kỳ “thơm tho” của giới nhà hàng, nhiếp ảnh, nhà tổ chức.

Đám cưới là nơi chi tiêu xa xỉ nhưng ít bị phê phán vì đó là việc riêng.

Vân vân và vân vân.

Đó là vài khái niệm đại thể. Nếu đi sâu vào trọng tâm của đề tài này thì đám cưới còn bộc lộ hàng loạt góc độ rất đáng phải uốn nắn nữa.

Thứ nhất là tính bất hợp lý của việc tổ chức giờ giấc

Ở vùng quê Hà Tây cũ, Phú Thọ, Yên Bái có thông lệ rất hay là tổ chức khai tiệc sáng lối từ 9 giờ, chiều từ 16 giờ. Quan khách có chừng hơn hai giờ để ăn uống, vui vầy rồi về vào giấc ngủ trưa hoặc khoảng 7 giờ tối. Còn ở đô thị, thường đến sát 12 giờ trưa hoặc 7 giờ tối mới khai tiệc. Kiểu này trước đó để khách bị… đói rất vô duyên.

Khi vào cuộc, nếu dính đám xá nào ưa nói nhiều, nói dai và nhiều lễ tiết lòng vòng khác thì đến gần 12 giờ 30 mới được ăn. Đã đói lại phải dùng bữa trằn qua khoảng thời gian sinh học quy định là giấc ngủ trưa thì ăn kém ngon, mệt mỏi và mất hẳn giờ nghỉ. Với những người ham rượu bia, lại mất ngủ nữa, cộng với chặng đường về không gần thì tai nạn rất dễ xảy ra.

Cảm giác chung của thực khách đi ăn cưới về là mệt mỏi, ồn ã và tiếc thời gian.

Thứ hai là ăn uống vô độ

Từ Nam chí Bắc hiện nay, phần lớn chủ hôn vẫn chọn cách được xem như một lối mòn là nhà hàng dọn từng món ra, khiến cho khách mời không có chọn lựa nào khác. Không thích cũng phải ăn. Nhiều món chậm gắp là bị ai đó “ưu ái” tương thẳng vào bát mình như… phân phối hàng thời chiến, rất khó chối từ, khó xử.

Quy mô một mâm tiệc thường khá lớn, thường lối 5-7 món cả tráng miệng nên người đến dự lập tức biến thành cái thùng đựng thức ăn. Ăn ngộp thở, ăn chất chứa. Nhiều vị phải giả vờ đi chỗ khác nghe điện thoại để “cho qua” vài món. Thông thường, khi cái lẩu rất đậm đà, chất lượng được bưng ra thì cũng là lúc bà con đã xin đủ, khỏi đụng đũa. Đương nhiên, gia chủ tiệc cưới vẫn phải trả tiền cho khoản này, một khoản không nhỏ.

Ở TP.HCM, mâm cưới thường xếp 10 hoặc 12 người quanh một cái bàn tròn. Ngồi kiểu gì cũng chật chội, bất tiện, nhất là khi có trẻ em đi kèm. Không khí một tiệc vui bỗng chốc trở thành ăn… khoán. Ăn như phải ăn!

Ở một số vùng quê, tình hình có vẻ khá hơn. Ở Phú Thọ, Hà Đông thường xếp mâm sáu người, ngồi bàn gỗ hình chữ nhật. Bày cỗ hoàn chỉnh xong thì mời, tùy khách có thể dùng từng món xen lẫn nhau hoặc chừa ra món mình không thích.

Âm nhạc, đòn tra tấn khó tránh

Món này, càng ở đô thị càng dữ dằn. Vô phúc cho ai ngồi gần mấy cặp loa vĩ đại, có cặp phải chở bằng xe tải nhẹ.

Ngày xuân nói chuyện cưới - Tin180.com (Ảnh 3)

Các nhà kinh doanh sự khó chịu, bán cái thứ “có thì thừa, không có thì thiếu” này luôn rất hào phóng. Nhận đôi triệu theo hợp đồng rồi thì cứ tăng âm lượng lên thả ga, đinh tai nhức óc. Lời ca, tiếng nhạc tranh nhau xả lộn xì ngầu như quảng cáo thuốc Sơn Đông mãi võ hoặc tuyên truyền phòng chống HIV, vào cái không gian thường bị khuôn kín giữa bê tông và cửa kính để chạy máy lạnh. Thậm chí có trường hợp người già cả hoặc các vị khách nước ngoài lịch lãm không nuốt nổi phải bỏ về ngang chừng.

Tại đám cưới, bạn hữu lâu ngày gặp nhau tính hàn huyên thăm hỏi đôi chút cũng bất lực bởi tần suất dồn dập và cường độ bạo động cứ đổ vào lỗ tai như máy xay xát lúa gạo giữa sân đình. Nhiều người khó tính ăn không nổi, không thể ngon miệng vì kiểu vừa ăn vừa bị dội vào tai như thế.

Đại diện hai họ: ông phó nháy

Tôi để ý trong dòng các trường dạy nghề, dạy kỹ năng nghề nghiệp hình như chưa có chỗ nào chính thống dạy nghề chụp ảnh cưới, nên không hiếm những tay máy nghiệp dư không hiểu gì về những khuôn phép lịch sự thông thường, chưa biết tận dụng cơ hội để bấm máy. Khi làm việc, anh ta nghiễm nhiên trở thành vị “tổng đạo diễn”, bắt cả các cụ kị hai họ ngẩng mặt, nhoẻn cười, tới lui theo ý mình.

Ngày xuân nói chuyện cưới - Tin180.com (Ảnh 4)

Có khi trời nắng như đổ lửa, anh ta cứ hô hét ầm ĩ, bắt “diễn” đi “diễn” lại vài lần rất tự nhiên, nên nhiều khi không khí trang nghiêm, thân thiện giữa hai nhà bị biến thành trò hề, giả tạo, gượng gạo khiến các bề trên bực mình không muốn tiếp tục nữa.

Việc dẫn tứ thân phụ mẫu và cô dâu chú rể đi chụp ảnh từng bàn tiệc, mỗi bàn hai nhát cũng là chuyện cực kỳ bức xúc. Đôi trẻ và các cụ (nhất là những cặp phụ huynh nhiều tuổi) phải len lỏi trong những không gian chật hẹp, đi mỏi chân trong lúc bụng đói, sức suy suốt hai tiếng đồng hồ thật chẳng dễ chịu gì.

Nhưng, có nháy có tiền, vả lại trong nửa tháng đầu, cô dâu chú rể cũng cần ngó đôi lần những hình ảnh ấy nên thông lệ này có vẻ khó chấm dứt để thay bằng vài kiểu hình theo từng nhóm bạn chụp với cô dâu, chú rể bên ngoài cổng hay ở vườn hoa, khuôn viên hội trường, đẹp hơn, nhiều ý nghĩa hơn việc ngồi “ăn để chụp” như thế.

Tìm đâu hình mẫu những đám cưới đúng nghĩa?

Thực ra, không cần tìm.

Ngày xuân nói chuyện cưới - Tin180.com (Ảnh 5)

Đất nước ta đã trằn qua rất nhiều đận thăng trầm của lịch sử và nhiều phân khúc thời gian, nên cũng có những hình mẫu đám cưới lành mạnh, vui tươi và ít tốn kém vô lý.

Vấn đề là, giai đoạn vừa qua, kinh tế xã hội phát triển, quy luật “phú quý sinh lễ nghĩa” ùa về, kéo theo cả những người không… phú quý. Sự thể đó tạo tiền đề cho một thói quen diễn ra như một logic, kiểu “trả nợ miệng”, có cơ kéo dài vô chừng chớn.

Điều đó đã sản sinh ra trăm thứ phát sinh phức tạp, ồn ã, tốn kém, thậm chí thiếu văn hóa, kệch cỡm như hiện nay. Tuyệt nhiên, điều đó không thể được coi là hợp lý hay văn minh, với một đất nước mà thu nhập của hơn 70% thanh niên chưa nổi ba triệu bạc một tháng.

Ở TP.HCM đã xuất hiện một vài mô hình, tuy rất nhỏ lẻ, xin nêu lên đây chỉ như một gợi mở.

Đã có những đám ma, đám cưới, chủ sự ghi thẳng lên tấm bảng xanh ngoài cổng “KHÔNG NHẬN TIỀN PHÚNG ĐIẾU” hoặc “miễn tiền mừng” nhưng nội dung đình đám vẫn vui tươi, giản dị. Có đám cưới không thuê dàn nhạc, chỉ dùng một bộ trang âm mở vài đĩa nhạc không lời vui nhộn, đằm thắm.

Để biến điều này thành phong trào không phải dễ, nhưng nếu Đoàn thanh niên, các gia đình chủ sự, giới truyền thông góp phần khai mở, tôn vinh, phát triển một nét mới dễ chấp nhận, thì cũng có thể làm được.

Bài và ảnh: Nguyễn Huy Cường
(theo tamnhin)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.