Nhiều vitamin và khoáng chất
Theo tính toán, hàm lượng vitamin C trong rau phân bố ngang bằng với chất diệp lục tố, mỗi 100g rau màu xanh đậm như: ớt chuông xanh, bông cải… hàm lượng vitamin C đều trên 30mg. Hàm lượng bêta-caroten trong các loại rau màu xanh, đỏ, vàng hơi nhiều, nhất là loại rau lá màu đậm như: hẹ, bó xôi, rau dền, cải dầu…, mỗi 100g rau hàm lượng bêta-caroten đều trên 2mg, rau mùa lạnh cao nhất có thể đạt 6mg. Trong rau còn chứa nhiều chất khoáng như: Ca, Fe, Mg, Cu… là nguồn chính cung cấp chất khoáng của bữa ăn. Tuy nhiên, trong rau cũng chứa nhiều acid oxalic, cũng sẽ ảnh hưởng đến cơ thể đối với sự hấp thu Ca, Fe…
Rau còn chứa chất xơ thực phẩm. Chất xơ thực phẩm nay được coi là chất dinh dưỡng thứ 7 (ngoài chất đạm, chất đường, chất béo, nước, muối khoáng và vitamin), nó bao gồm cellulose, hemicellulose, lignin và pectin, thuộc hợp chất hydratcacbon. Do cơ thể thiếu men tiêu hóa chất xơ, nên chất xơ không được cơ thể tiêu hóa hấp thu, chỉ hình thành chất bã, bài tiết ra ngoài cơ thể.
Vai trò của chất xơ
Dự phòng ung thư ruột. Sau khi ăn rau chứa nhiều xơ như: cải bắp, cà rốt, cải xanh…, nhu động đường ruột tăng nhanh thấy rõ, thức ăn thông qua thời gian làm rỗng dạ dày rút ngắn, lượng phân bài ra tăng lên. Y học hiện đại chứng minh, các chất gây ung thư trong thức ăn như: polycyclic aromatic, độc tố nấm mốc, acid béo, nitrosamine… thời gian lưu lại đường ruột càng lâu, thì nguy cơ gây ung thư càng lớn. Chất xơ giúp tăng nhu động đường ruột, rút ngắn thời gian làm rỗng dạ dày, đạt tác dụng phòng ngừa ung thư ruột.
Giảm cholesterol. Người ta thí nghiệm cho chuột bạch thức ăn không xơ có chứa 1% cholesterol, hàm lượng cholesterol trong máu của chuột tăng lên; nếu như thêm một lượng chất xơ nhất định, hàm lượng cholesterol trong máu của chuột lại giảm đi. Nếu trong thức ăn của chuột chất xơ tăng nhiều, cholesterol trong máu và tích tụ trong cơ quan sẽ giảm đi. Bởi vì chất xơ giúp ức chế sự hấp thu của cơ thể đối với cholesterol, tăng bài tiết dịch mật, giảm mức cholesterol máu, đạt tác dụng giảm cholesterol máu, dự phòng xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành…
Giảm lệ thuộc insulin của bệnh đái tháo đường. Bữa ăn giàu xơ làm tăng dung tích trong dạ dày, tạo cảm giác no, đồng thời giúp giảm hấp thu đường bên trong ruột, đạt công hiệu giảm đường huyết, giảm sự lệ thuộc của người bệnh đái tháo đường đối với insulin và các thuốc hạ đường huyết khác, khống chế béo phì…
Ngoài ra, khi dùng rau có chứa chất xơ, cần nhai nhuyễn trong miệng, kích thích bài tiết dịch vị, tăng khả năng hoãn giải độ kiềm – toan, giảm bớt bã thức ăn bám trên răng và kẽ răng, phòng ngừa xảy ra viêm nha chu và sâu răng. Mặt khác, pectin trong ruột sẽ bám hút các chất có hại như: độc tố vi khuẩn, chì, thủy ngân… và các nguyên tố phóng xạ, bảo vệ cơ thể tránh bị tổn thương. Lignin trong bữa ăn chứa xơ (như cà rốt) giúp tăng cường khả năng nuốt của thực bào đối với các vi sinh vật gây bệnh, nâng cao khả năng đề kháng của cơ thể.
Với các lý do trên, các chuyên gia phòng trị bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường, khối u… khuyên mọi người ăn nhiều rau, kiến nghị mỗi người hàng ngày “tranh thủ” ăn khoảng nửa ký rau quả (trong đó 50 – 100g trái cây).
Lương y BÀNG CẨM
(theo suckhoedoisong)