Củ cà rốt rất giàu caroten (tiền vitamin A) khi ăn vào sẽ được cơ thể chuyển hóa dễ dàng thành vitamin A ở ruột và gan. Ngoài ra, cà rốt cũng là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và có nhiều chất bổ khác như: các vitamin A, B, C, D, E, Acid folic, kali và sợi pectin (giúp hạ cholesterol máu)…
Cà rốt bổ như thế nào?
Giàu chất chống oxy hóa
Trong cà rốt còn có nhiều chất chống oxy hóa quan trọng như: beta carotene, alpha carotene, phenolic acid, glutathione… đã được chứng minh là có khả năng làm giảm nguy cơ mắc phải nhiều bệnh như: tim mạch, ung thư và có khả năng bảo vệ nuôi dưỡng tái tạo làn da.
Nước ép cà rốt là một nguồn dinh dưỡng giàu vitamin A nhất. Do thành phần có hàm lượng beta caroten cao và giàu các vitamin và khoáng chất khác, nước ép cà rốt có khả năng ngăn ngừa một số bệnh.
Nước ép cà rốt là một nguồn dinh dưỡng giàu vitamin B và C cũng như là canxi, pectin, có khả năng làm giảm lượng cholesterol trong máu.
Nước ép cà rốt chứa beta caroten. Cơ thể sẽ chuyển beta caroten thành vitamin A. Đây là chất quan trọng để tăng cường hệ miễn dịch, kích thích các tế bào khỏe mạnh phát triển.
Góp phần chống bệnh ung thư
André Nkondjock và Parviz Ghadirian thuộc đơn vị nghiên cứu dịch tễ học của Hotel-Dieu (Montreal) đã công bố một nghiên cứu trên 5.183 người, trong đó 462 người đã bị ung thư tụy tạng. Các kết quả biểu thị rằng, lycopene của cà chua (sắc tố đỏ) và beta caroten (sắc tố vàng cam) đã mang lại tác dụng bảo vệ có ý nghĩa chống lại loại ung thư này. Lycopen của cà chua làm giảm 31% nguy cơ mắc phải ung thư tụy tạng nơi đàn ông. Từ các nguyên nhân chưa biết rõ, dường như phụ nữ không được hưởng lợi nhiều như đàn ông về các đặc tính bảo vệ của sắc tố này.
Chất beta caroten của cà rốt làm giảm 43% nguy cơ ung thư tụy tạng ở phụ nữ nhiều hơn ở đàn ông. Với những người nghiện thuốc lá thì các kết quả nghiên cứu cho rằng tác dụng bảo vệ không còn nữa. Cà chua nấu chín lợi ích hơn cà chua sống vì sắc tố lycopen tan trong lipid, người ta sẽ hấp thu dễ dàng hơn nếu dùng chung với chất béo. Beta caroten tiền chất của vitamin A cũng như lycopen sẽ dễ được hấp thu khi có sự hiện diện của chất béo. Cả hai sắc tố này đóng vai trò quan trọng trong các hợp chất chống oxy hóa carotenoid.
Nhưng lạm dụng cà rốt sẽ bị gây hại
Ngày 25/12/2010, bé Minh N. 29 tháng tuổi đã phải nhập viện trong tình trạng máu không thể vận chuyển oxy cho các mô trong cơ thể gây tím môi, tím tay chân toàn thân, nhịp tim nhanh. Kết quả thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm dẫn đến chẩn đoán nghi ngờ cháu bị methemoglobine máu (không có khả năng chuyên chở oxy cho mô). Sau 30 phút giải độc methemoglobine máu, bé bớt tím môi, tay chân và hồng hào lại sau 1 giờ. Lý do vì gia đình thấy cháu thích ăn cà rốt nên đã cho ăn nhiều cà rốt chín lẫn sống dài ngày nên bé bị nhiễm độc nitrat trong cà rốt, dẫn đến tình trạng methemoglobine máu khiến máu không cung cấp đủ oxy cho sự hô hấp, chuyển đổi máu ở các mô. Bình thường, rất nhiều nước và hóa chất như nitrat khi vào cơ thể, có thể oxyt hóa hemoglobin thành methemoglobin (sắt ferơ thành sắt feric) rồi sau đó các methemoglobin lại được hệ thống men hemoglobin reductase khử lại thành hemoglobin. Trường hợp quá nhiều methemoglobin khiến hệ thống khử không hoạt động kịp, bệnh nhân sẽ bị ngộ độc do máu mất khả năng chuyên chở oxy.
Ở đây cần chú ý là trẻ em rất dễ bị ngộ độc nitrat có nhiều trong cà rốt, củ dền vì hệ thống men khử còn yếu. Tóm lại, tuy cà rốt là thực phẩm bổ dưỡng nhưng cũng không nên ăn nhiều và liên tục, vì lượng caroten cao không được cơ thể chuyển hóa hết thành vitamin A sẽ gây tích lũy và ứ đọng ở gan gây chứng vàng da, ăn không tiêu, mệt mỏi. Đó là chưa kể tình trạng ngộ độc nguy hiểm đến sức khỏe bé vì máu bị methemoglobin. Do vậy, bình thường mỗi tuần chỉ nên cho trẻ ăn từ 2 – 3 lần, mỗi lần một nửa củ to hoặc một củ nhỏ 50g là vừa, với phụ nữ có thể ăn 100 – 150g ngày.
DS. TRƯƠNG TẤT THỌ
(theo suckhoedoisong)