Giáp Tết vừa rồi, vợ chồng chị bù đầu đi ăn cưới, hết cưới ở nhà hàng này, sang nhà hàng khác, đám cưới ở quê. Tính ra có ngày vợ chồng chị phải chia nhau chạy 2,3 đám cùng lúc.“Tưởng đầu năm người ra ít nghĩ đến chuyện cưới xin, ai dè cũng chia nhau đi ăn cưới chẳng khác gì dạo cuối năm. Mỗi ngày cũng có đến 3, 4 đám”.
Đau đầu trong cơn bão giá, lại quay cuồng với việc một tuần có gần chục thiệp hồng được gửi tới, chị Linh than thở: “Đầu năm mà lương tháng của tôi chắc cũng chỉ đủ để đi đám cưới. Một tuần gần chục đám, tháng rồi nhà tôi cũng tiêu lạm vào khoản tiết kiệm hàng tháng vì đi phong bì đám cưới”.
Dù không phải mùa cưới, nhưng nhiều bà nội trợ cũng “méo mặt” vì đầu năm đám cưới càng nhiều. Cầm trên tay tấm thiệp hồng của con gái sếp, không riêng gì chị Diễm, mà tất cả mọi người trong cơ quan đều thở dài. “Bét nhất thì cũng phải đi phong bì 1 triệu, nhiều hơn thì chưa biết bằng nào, tùy theo mối quan hệ thân quen hay không. Cả tháng dè sẻn tiền chi tiêu, tính toán chi li từng đồng một vì bão giá, vậy mà vẫn phải mạnh tay chi cho đám cưới con gái của sếp”, chị Diễm cho hay.
Cũng tương tự như các chị em cùng cơ quan, thiệp mời cưới đến tay Liên lập tức được phân loại xem là “cấp” khách sạn hay nhà hàng, nếu làm ở nhà hàng thì đi, còn khách sạn thì… gửi.
để tiết kiệm chi phí
“Nếu đi thì phong bì 300.000, gửi thì 200.000 thôi, đỡ được 1/3 rồi. Ngày trước mỗi khi có đám cưới, vợ chồng mình toàn dung dăng dung dẻ cùng đi. Giờ thì đố dám. Ai mời cũng nhiệt tình dặn là mang cả anh xã với các cháu cùng đi cho vui nhé. Nghĩ đến chuyện thêm anh xã là phong bì một triệu, sợ xanh cả mặt”.
Thời buổi bão giá hoành hành, việc đi phong bì, và chạy sô đám cưới đầu năm cũng khiến nhiều cặp vợ chồng phải đau đầu. Họ nghĩ ra trăm phương kế để hẹn chế đến mức thấp nhất tiền phong bì phải đi. “Lương thì chưa tăng mà đám cưới thì nhiều, tháng nào nhiều đám thì cả tháng phải ăn uống dè sẻn, tiết kiệm lắm mới đủ”, Liên, một bà nội trợ cho hay.
Đinh Liên
(theo afamily)