Tuyên bố trên là của tiến sỹ Richard B. Hoover, một nhà sinh vật học vũ trụ tại Trung tâm bay vũ trụ Marshall của NASA. Tiến sỹ cho biết đã tìm thấy bằng chứng xác thực về sự sống ngoài hành tinh: đó là các hóa thạch của vi khuẩn trên một mẩu thiên thạch hiếm có được gọi là thiên thạch các-bon CI1. (Trên trái đất hiện chỉ có 9 mẩu thiên thạch như vậy). Phát hiện của Hoover được đăng tải vào cuối ngày thứ sáu vừa qua trên tạp chí Vũ trụ học, một tạp chí hàng đầu về khoa học.
“Tôi suy ra rằng sự sống không chỉ giới hạn trên trái đất của chúng ta”, Hoover kết luận. Trong một cuộc phỏng vấn trên FoxNews.com, ông cho biết đã dành hơn 10 năm để nghiên cứu các thiên thạch trên khắp thế giới. “Ngành nghiên cứu này mới được bắt đầu, bởi nhiều nhà khoa học lớn cho rằng ngành khó có thể đạt được kết quả”.
Hoover đã tìm thấy các hóa thạch khi đập mẩu thiên thạch CI1 ra và phân tích bằng phương pháp kính hiển vi quét electron. Tiến sỹ đã tìm thấy hóa thạch của các sinh vật siêu nhỏ, và nhiều sinh vật rất giống với sinh vật trên trái đất của chúng ta. Song cũng có một số mẫu “không giống với bất kỳ thứ gì tôi có thể nhận dạng”.
Trước khi xuất bản nghiên cứu của mình, Hoover còn cẩn thận mời các đồng nghiệp trong cộng đồng khoa học tới đánh giá. “Do bản chất đầy tranh cãi của nghiên cứu giáo sư Hoover thực hiện, nên chúng tôi đã mời 100 chuyên gia và phát lời mời chung tới hơn 5.000 nhà khoa học đến xem xét lại nghiên cứu và đưa ra đánh giá của họ”, nhà khoa học, tiến sỹ Rudy Schild thuộc Trung tâm vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonian, viết. Ông là tổng biên tập tạp chí Vũ trụ học. “Không có một bài báo nào trong lịch sử khoa học lại được trải qua khâu khiểm tra kỹ lượng đến vậy và trong lịch sử khoa học chưa bao giờ cộng đồng khoa học lại có cơ hội phân tích một bài báo nghiên cứu quan trọng như vậy trước khi nó được xuất bản”.
Và không phải nói, nếu kết luận của tiến sỹ Hoover là đúng, thì ứng dụng của nó đối với nhân loại sẽ vô cùng lớn.
(theo dantri)