Các sĩ tử phải gồng mình trước tiền nhà trọ, tiền điện, nước, ăn uống.. tăng vùn vụt và tiền ôn thi ở các “lò luyện”.
Sau Tết, nhiều học sinh từ các địa phương đến Hà Nội ôn thi đại học. Mang theo là sách vở, quần áo, đồ dùng… cùng bao quyết tâm, kỳ vọng của gia đình để hiện thực hóa giấc mơ đại học. Nhưng các sỹ tử này phải gồng mình trước tiền nhà trọ, tiền điện, nước, ăn uống tăng vùn vụt và một khoản không nhỏ là tiền ôn thi tại các “lò luyện”.
Oằn mình thời tăng giá
Chấp nhận thuê nhà ở xóm trọ tận trong làng Phú Đô (huyện Từ Liêm), đi chừng 600m mới ra đường lớn bắt xe bus, nhưng hàng tháng phải bỏ 800.000 đồng tiền thuê phòng trọ chừng 9m², Nguyễn Hương Dung (quê Thanh Hóa) cho biết: “Em đã thuê phòng trọ này để ôn thi ĐH 3 tháng nay, ngoài tiền phòng, mỗi tháng đóng thêm 60.000 đồng tiền nước giếng khoan, tiền điện 4.000 đồng/số, mỗi tháng hết gần 100.000 đồng tiền điện. Mà chủ nhà cũng vừa “đánh tiếng” tháng tới sẽ tiếp tục tăng tiền nhà, điện, nước”.
Chống chọi với “bão giá”, Nguyễn Hương Dung quyết tâm tới các “lò” ôn thi đại học để hiện thực hóa giấc mơ của mình và gia đình |
Dung thở dài: “Em ở một mình nên rất tốn tiền nhà, nhưng bố mẹ em dứt khoát không cho em ở chung với ai vì sợ ảnh hưởng đến việc ôn thi. Tiền ăn, uống cũng rất tốn kém. Trên này thứ gì cũng đắt gấp đôi, gấp ba ở quê. Ra chợ, quanh quẩn mua rau, đậu, thịt, trứng nhưng mỗi ngày cũng hết 30.000 đồng tiền thức ăn. Chưa kể tiền mắm muối, dầu ăn, gia vị… Cả tiền gas nữa, bình gas du lịch vừa giá lên 9.000 đồng/ bình, đun rất chóng hết. Nếu tính cả tiền điện thoại, xe bus, tiền mua vé học ở các trung tâm luyện thi… tổng cộng, mỗi tháng em tiêu hết hơn 3 triệu đồng”.
May mắn vì không phải “gánh” tiền trọ một mình như Dung, nhưng Trần Vĩnh Hoàng (quê Hòa Bình) 2 tháng nay vẫn phải trả một khoản tiền nhà không nhỏ, dù đã ở chung với nhóm 6 sinh viên khác. Hoàng cho biết: “Chỗ em ở gần chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng) vừa tăng giá tiền nhà. Giờ giá thuê nhà là 4,6 triệu đồng/tháng cho ngôi nhà 2 tầng, diện tích sử dụng gần 60m². Ở biệt lập, tiền điện, nước tính theo hộ gia đình nên cũng rẻ đi đôi chút. Nhưng mỗi tháng em và các anh cùng nhà chia ra mỗi người hết 700.000 đồng gồm tiền nhà, điện, nước, Internet”.
Mặc dù tự chia nhau ra đi chợ, nấu ăn nấy nhưng tính ra bình quân mỗi ngày Hoàng cùng các bạn cùng nhà trọ cũng phải bỏ ra khoảng 30.000 đồng tiền ăn, mỗi tháng cũng mất trên 800.000 đồng. Hoàng kể: “Khoản mua vé học ôn tại các trung tâm luyện thi ở gần trường ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm Hà Nội mỗi ngày em học 1-2 ca, mỗi ca chừng 20.000 – 30.000 đồng tùy môn. Mỗi tháng vị chi cũng mất khoảng 1,2 triệu đồng tiền ôn thi”.
Mới lên Hà Nội ôn thi được hơn 2 tuần, Nguyễn Văn Nhiên (Hải Dương) chấp nhận ở chung phòng 8m2 với 1 bạn sinh viên trong dãy nhà trọ xóm 17, Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm). Hàng tháng, Nhiên phải đóng 400.000 đồng tiền nhà, 60.000 đồng tiền nước giếng khoan, tiền điện tính theo 3.000 đồng/số, cùng 30.000 đồng tiền điện bình nóng lạnh dùng chung cả xóm trọ. Nhiên bảo: “May mà đỡ được một nửa tiền nhà, nhưng tiền ăn uống thì tốn kém quá. Đi ăn quán cũng phải từ 15.000-20.000 đồng/suất, còn nấu lấy thì cũng chẳng rẻ, nhưng được ăn no hơn quán. 2 người ăn nên mỗi bữa đi chợ mua tối thiểu 2 lạng thịt, mớ rau, hoặc đậu phụ cũng hết hơn 30.000 đồng, rồi tiền mắm muối, dầu ăn, tiền gas nữa”.
“Lò” ôn vắng bóng
Khác với các năm trước đây, thời điểm ra Tết là các “lò” luyện thi ĐH bắt đầu vào “mùa” đón các học sinh ở Hà Nội và các địa phương tới đăng ký ôn thi. Nhưng năm nay tại các khu vực “nóng”, tập trung nhiều “lò” luyện thi của Hà Nội như: cổng số 2 (ĐH Sư phạm Hà Nội), đường Tạ Quang Bửu (ĐH Bách khoa Hà Nội) và ngõ 336, đường Nguyễn Trãi (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn)… thưa vắng bóng học sinh. Bà Thủy, phụ trách Trung tâm 17 – luyện thi ĐH tại nhà số 8 và 9, ngõ 336 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) cho biết: “Năm nay, “lớp 13” ở các khối đều vắng. Sau 2 tuần khai giảng nhưng mỗi lớp cũng chỉ tầm 20-30 em”.
Mặc dù thiếu vắng học sinh, nhất là đang đợt biến động giá cả nhưng nhìn chung đại đa số các “lò” vẫn giữ học phí cơ bản giống năm ngoái, ở mức 20.000 – 25.000 đồng/ca, 30.000 đồng/1,5 ca tùy từng môn. Giờ học cũng được các “lò” sắp xếp linh hoạt hơn, không còn tình trạng “chạy sô” như những năm trước. Đối với các học viên “lớp 13”, việc đến ôn tập tại các “lò” luyện thi ĐH cũng là dịp để củng cố kiến thức, nghe ngóng hướng ra đề thông qua dự đoán của các thầy, cô.
Sau một lần “vấp ngã” nên khi lựa chọn một “lò” luyện thi tại HITC (gần ĐH Sư phạm Hà Nội) để ôn luyện, Phạm Xuân Đức (Quốc Oai, Hà Nội) tỏ ra khá thận trọng: “Em đang ôn thi khối A, B. Năm ngoái, do ôn tập không kỹ và cũng do hổng kiến thức nên thi trượt. Năm nay, em quyết tâm học để thi đỗ nên sẽ cố ôn tập tốt. Em cũng xác định chọn hướng tự ôn để nắm chắc kiến thức, nhưng vẫn phải tới các trung tâm luyện thi để học thêm, nhất là những phần nào mình vẫn còn yếu. Nhìn chung, năm nay các trung tâm khá vắng nên các bạn cũng rất tập trung học. Nhiều thầy, cô dạy tốt, nhưng cũng có một số dạy rất hời hợt, thiếu nhiệt tình”.
Còn Nguyễn Hương Dung cho biết: “Mục đích đến lớp luyện thi ĐH chủ yếu là có cơ hội được các thầy, cô hệ thống hóa những kiến thức cơ bản. Bên cạnh đó, những phần nào chưa hiểu có thể hỏi trực tiếp để giáo viên giải đáp. Hơn nữa, em cũng muốn biết nên ôn phần nào là trọng tâm, các dự báo của thầy, cô về hướng ra đề thi ĐH năm nay…”.
Xem ra, không chỉ đối chọi với biến động giá cả trong sinh hoạt hằng ngày, các sỹ tử “lớp 13” còn phải tiêu tốn thêm khoản khá lớn tại các “lò” luyện thi ĐH, trong khi vẫn còn đang mịt mù về hiệu quả ôn luyện…
“Các kỳ thi ĐH, CĐ vài năm gần đây cho thấy, đại đa số học sinh đậu ĐH, CĐ là do nắm chắc kiến thức, tự ôn tập ở nhà là chủ yếu. Việc đến các trung tâm luyện thi hiện nay vừa mất thời gian, tiền bạc của gia đình. Nếu muốn thi đỗ ĐH, CĐ các em nên tập trung thời gian để củng cố kiến thức, cố gắng hỏi các bạn, thầy, cô giáo cũ… bên cạnh đó, cũng nên xác định năng lực học tập của mình để có thể chọn trường, chọn nghề cho phù hợp”. Ông Nguyễn Thành Kỳ – Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội) |
(Theo Giadinhnet)