“Quê” với đồng nghiệp
Chị Hòa (đường Trần Đại Nghĩa, Hà Nội) từ dạo còn là sinh viên vốn đã không mấy quan tâm đến các kiến thức xã hội tối thiểu. Rồi khi lấy chồng, lại bù đầu với việc chăm sóc chồng con, đi làm và đi học văn bằng hai nên chẳng còn thời gian mà đọc sách, báo, cập nhật thông tin. Thế nên, mỗi khi đi làm, cứ nghe mấy chị đồng nghiệp tám chuyện là cô lại ngồi im, lơ đễnh như “vịt nghe sấm”. Có bao nhiêu chuyện nào là giá vàng tăng, giảm đến chóng mặt, hay gạo nhựa Trung Quốc, có bọ trong sữa, giá đỗ bẩn, lại còn dưa chuột gây triệt sản… nhưng tất cả những thứ đó đều không có trong từ điển của cô.
Có lần chị đồng nghiệp kể về đứa cháu họ phải “chạy” cả nghìn đô mới xin được vào lớp một cô đã rất ngạc nhiên, “mắt chữ o mồm chữ a” bởi cô nghĩ trẻ con cứ đến 6 tuổi là các cháu đương nhiên phải có “suất” vào lớp một mà không phải lo lắng gì. Về nhà, tình hình cũng diễn ra tương tự nên Hưng chồng cô cũng thấy chán. Anh cứ muốn kể chuyện gì là thái độ ngây ngây ngô ngô của vợ lại khiến anh mất hứng.
Chị Nhung (40 tuổi, Quan Hoa, Cầu Giấy) ở nhà làm nội trợ đã lâu, nên đối với chị, nấu ăn thì đơn giản chứ bảo chị cầm tờ báo hay quyến sách đọc thì e rằng hơi khó. Bởi vậy mỗi khi chồng con xì xào bàn tán, bình luận sự kiện này, sự việc kia thì chị cứ tròn mắt, chống đũa hết nhìn chồng lại đến nhìn con mà không hiểu họ đang nói về vấn đề gì. Có lần, chồng chị đã hạ quyết tâm phải “xóa mù” thông tin cho vợ bằng cách rủ vợ xem tivi, đọc sách báo “nhưng chỉ được vài ba bữa là cô ấy đầu hàng vô điều kiện vì muốn… đi ngủ hơn”, anh Bình – chồng chị hóm hỉnh chia sẻ.
Mẹ “gà mờ”
“Con không muốn nói chuyện với mẹ nữa đâu, mẹ chẳng biết gì cả” cháu Hiền (18 tuổi, Mỹ Đức, Hà Nội) than ngắn thở dài mỗi khi chị Hồng -mẹ cháu hỏi về việc thi đại học của cháu. Chị Hồng có con năm nay học lớp 12, nhưng quả thật ngoài việc cho con tiền học thêm và biết con thi khối D ra, chị cũng không biết con thi trường nào, học thầy gì, ở đâu, vào lúc nào? Hôm trước, đi họp phụ huynh, nghe cô giáo nói về điểm sàn, điểm chuẩn, tỷ lệ chọi, thí sinh ảo mà chị chẳng hiểu mô tê gì cả. Chị thú thật: “Mình hơn 40 tuổi, công việc cứ dúi dụi, con có đưa cho cái này cái kia bảo đọc, thì cũng chỉ được một lát là hai mắt cứ díu lại, khó chịu lắm. Thôi mọi việc cứ để cho nó quyết định vậy. Mình có biết gì đâu mà bàn”.
Có lần, khi thấy con trai đang chat trên máy tính mà chị cứ đinh ninh là con học hành chăm chỉ lắm vì chị thấy con cắm cúi gõ liên tục (?!).
Cuộc sống hiện đại, những người phụ nữ bên cạnh việc tề gia nội trợ, chăm sóc chồng con cũng nên cập nhật kiến thức mỗi ngày để tránh bị lạc lõng trong gia đình. Việc tham gia tiếp nhận những thông tin xã hội sẽ gíu các chị làm phong phú thêm đời sống của bản thân, gia đình và trở thành người bạn tâm tình của chồng con.
Lý Thu
(Theo PLXH)