Tấp nập như ngày thường
Không vội vã như nhiều bạn khác, đồ đạc và tư trang của Nam, SV năm 3 ĐH KTQD (Hà Nội) vẫn còn nguyên. Không những thế, cả một dãy trọ của Nam cũng vậy, mặc dù có rất nhiều bạn ở xa quê và ít có dịp về thăm nhà nhưng họ lại chuẩn bị cho mình những kế hoạch riêng cho một sự “trải nghiệm”.
“Năm nay mình sẽ đi tiếp sức mùa thi, rồi đi tình nguyện quốc tế và sau khi về sẽ đi làm thêm. Hai mùa hè trước mình cũng chơi thỏa thích rồi nên hè này mình đang muốn “làm giàu” xem sao.
Sinh viên năm 3 rồi, mình cũng phải “chiến đấu” để lấy kinh nghiệm sống và cũng muốn hồ sơ xin việc hoành tráng một chút để dễ dàng kiếm việc sau này”, Nam cười chia sẻ.
Còn H.Trang, SV năm nhất ĐH Mở ở lại với lí do “em muốn xem hè ở thủ đô khác gì ở quê. Thực ra thì ở lại cũng khá là tốn kém nên em sẽ kết hợp khám phá Hà Nội với đi gia sư để bù khoản thuê nhà và điện nước”.
Tương tự, bạn Đào Dung, sinh viên năm 2, HV báo chí và tuyên truyền có hẳn một kế hoạch cụ thể cho mùa hè năm nay. “Mình đang dạy thêm cho một em chuẩn bị thi đại học nên hè này sẽ ở lại kèm thêm em ý và làm thêm cho một cửa hàng hoa gần trường nữa. Tiêu tiền của bố mẹ nhiều rồi nên mình cũng muốn tìm cảm giác tiêu tiền do bản thân kiếm xem sao”, cô bạn đến từ Bắc Ninh nói.
Ngoài việc khám phá và trải nghiệm thì nhiều bạn lại lựa chọn cho mình những khóa kiến tập hay những lớp học thêm ngoại ngữ để nạp kiến thức. “Hè năm nay mình tính đi thực tế ở một bệnh viện để đỡ bỡ ngỡ khi vào nghề.
Ngoài ra mình cũng muốn học hỏi thêm kinh nghiệm của những người đi trước để sau này áp dụng không bị…nhầm, Trung Hiếu, SV ĐH Y Hà Nội chia sẻ.
Mưu sinh cho tương lai
Mặc dù cảm thấy không thoải mái và chỉ muốn thoát khỏi khu trọ bí bách, thiếu thốn của mình để về nhà, nhưng nhiều bạn sinh viên “quyến luyến” khu trọ hè này với mục đích mưu sinh và trang trải thu nhập cho năm học mới.
“Nhà mình ở tận Đà Lạt, còn khó khăn, lại đông anh em nên hè mình muốn ở lại để tự trang trải thêm cho sinh hoạt cá nhân. Lúc đầu mình làm chân chạy bàn cho một quán ăn nhanh, sau đấy kiêm luôn cả trông xe nên cũng kiếm được kha khá”, L.Đạt, ĐH KTQD (Hà Nội) chia sẻ.
Hay Đặng Nhài, cô gái nhỏ nhắn đến từ Hưng Yên rất hào hứng khi khoe thành tích 3 năm liền bám riết xóm trọ mùa hè để đi làm thêm. “Sáng thì mình đi làm thêm ở BigC, chiều chạy cửa hàng bán quần áo của bạn, còn tối thì đi gia sư.
Mặc dù hơi mệt nhưng vào năm học mới mình sẽ không phải xin bố mẹ tiền học phí và tiền mua sắm quần áo. Không những có tiền mà ở mỗi nghề, mình lại có những kinh nghiệm làm việc rất tốt”.
Không giống như nhiều bạn khác được gia đình chu cấp, bố mẹ Quỳnh Mai mất sớm, hiện Mai đang ở với bà ngoại nên hè năm nào Mai cũng ở lại để làm thêm. Thậm chí Mai còn làm cả trong năm học để trang trải thêm cho học tập.
“Bà mình cũng có tuổi rồi nên việc đi lại cũng khó khăn, mình muốn đi làm để đỡ bà. Ngày nào mình cũng gọi điện về để dặn bà và để bà khỏi lo lắng”, Mai nói.
Mỗi người một lí do, một hoàn cảnh khác nhau để những sinh viên xa nhà này bám trụ lại mảnh đất tấp nậpvà đầy bon chen. Và tất cả “những gia đình sinh viên” này cũng đang quen dần với việc tự an ủi nhau để quên đi nỗi nhớ nhà da diết. Họ cũng thường nói vui với nhau rằng: “Thôi thì trót yêu xóm rồi nên phải giữ chứ”.
Hàn Ngọc Hảo
(theo dantri)