Võ thuật Trung Hoa khởi nguồn từ nền văn hóa truyền thống của Trung Quốc, có nội hàm vô cùng phong phú. Ban đầu nó theo tư tưởng của Đạo gia mà xuất hiện, do vậy có quan hệ với tu luyện. Nó đề cao việc tu dưỡng đạo đức, kỹ thuật và nghệ thuật, dưỡng sinh và nâng cao tố chất thân thể. Võ thuật đem lại khả năng phòng vệ và ngăn chặn bạo lực, cho nên chữ “Võ” 武 gồm có chữ “Chỉ” 止 nghĩa là “ngăn cản” và chữ “Qua” 戈 nghĩa là “ngọn giáo, cây thương” hợp lại mà thành.
Võ sư người Đài Loan Ling Zhongshi Ảnh: Wang Renjun.
Trong lịch sử dài đằng đẵng của dân tộc Trung Quốc, từ hình thức giao đấu kiểu giống như đấu vật thời “Hoàng Đế đánh Xi Vưu”, cho đến sự phát triển về kiếm thuật thời kỳ Chiến Quốc, rồi tới thời Hán Đường càng dung nhập thêm nhiều nội hàm nghệ thuật phong phú nữa. Ví như “Tam tuyệt” thời Đường gồm có thơ Lý Bạch, kiếm thuật Bùi Mân, thư pháp Trương Húc, từ đó có thể thấy thời ấy trong lịch sử Trung Quốc thì kiếm thuật và thơ Đường đều đã phát triển đến thời kỳ cực thịnh.
Sau này vào thời Tống, Nguyên, Đạo sỹ Trương Tam Phong trong quá trình tu luyện đã sáng lập nên Thái Cực Quyền. Đến thời Minh, Thanh kế thừa Thái Cực Quyền, giới tu luyện còn truyền xuất ra Bát Quái Chưởng và Hình Ý Quyền trong dân gian và phát triển rất tốt đẹp. Sau này nở rộ Ngoại gia quyền, như là các thể loại trường quyền Tra, Hoa (trong từ bông hoa), Pháo, Hồng, Hoa (trong từ tinh hoa), cùng với Bát Cực, Thông Tý, Phiên Tử, Đường Lang quyền… với phong cách kỹ năng võ thuật rất đa dạng. Thiếu Lâm nổi tiếng thiên hạ lại chia thành Nam phái và Bắc phái, hình thành nên đặc điểm Nam quyền Bắc cước, nghĩa là Nam phái trọng kỹ thuật đấm (quyền thuật) còn Bắc phái giỏi về kỹ thuật đá (cước pháp).
Ông Wo Guozheng và 2 đệ tử tham gia cuộc thi năm 2008. Hình ảnh của Wang renjun.
Trong quá trình hình thành và phát triển của võ thuật, thì dần dần do phong cách và đặc điểm không giống nhau đã có sự phân chia. Bên chú trọng tu nội đã hình thành nên Nội gia quyền gồm có Thái Cực, Bát Quái, Hình Ý, v.v… Bên chú trọng huấn luyện từ ngoại hình, yêu cầu từ ngoại luyện cho tới nội, hình thần hợp nhất, và hình thành nên Ngoại gia quyền gồm có Tra, Hoa (trong từ bông hoa), Pháo, Hồng, Hoa (trong từ tinh hoa), cùng với Bát Cực, Thông Tý, Phiên Tử, Đường Lang, Bát Kỹ, vv… Dù là Nội gia hay Ngoại gia, đều có các loại binh khí như là đao, thương, kiếm, côn, búa, việt, câu, xoa … làm khí giới dùng trong luyện tập, thống nhất gọi là khí giới võ thuật. Võ thuật Trung Quốc bao gồm cả việc tu dưỡng đạo đức, thưởng lãm nghệ thuật, trừ bệnh khỏe thân, lại có thể dùng để tự vệ và ngăn chặn bạo lực. Trong kỹ thuật và nghệ thuật lại có ẩn chứa học vấn uyên thâm, cho nên võ thuật là bộ phận rất quan trọng trong nền văn hóa Thần truyền cho dân tộc Trung Quốc.
Hình ảnh từ cuộc thi năm 2008. Hình ảnh của Wang Renjun.