Người ta quan niệm cuộc đời lý tưởng là nhiều phúc – lộc – thọ. Phúc là đông con nhiều cháu. Vô hậu vi đại – không con là “tội lớn nhất” trong bất hiếu hữu tam! Càng nhiều con cháu càng tốt. Tổ ong càng nhiều ong càng tốt. Hugo cũng nói ngôi nhà không có trẻ con thì như tổ ong không có ong. Tất nhiên cũng không có mật! Đông con thì sẽ giàu có, dù thực tế thường ngược lại thì người ta cũng vẫn tin như vậy, không lay chuyển. Lộc là sự giàu, sự sinh sôi như lộc non trên cành. Thọ là sống lâu mà tượng trưng là quả đào. Tranh Thất đồng Hàng Trống vẽ bảy chú bé hồng hào chơi quanh một cây đào cổ thụ sum suê lá cành và trĩu quả gói trọn ba điều cầu chúc ấy.
Trẻ em chơi – khuyết danh.
|
Hình tượng trẻ em trong hội hoạ phương Đông vì thế khá đơn điệu. Tuy nhiên, ở các tranh sinh hoạt khổ nhỏ qua các trò chơi khác nhau và bút pháp khác nhau cũng có rất nhiều tác phẩm quý giá và được yêu thích. Nhớ những năm 1950 – 1960, đôi vợ chồng trẻ nào cũng cố kiếm một bức tranh Tàu mới vẽ em bé trái đào – má hồng ôm chim hoà bình. Tranh Đông Hồ được ưa thích cũng là tranh em bé ôm gà, ôm vịt. Nhiều hoạ sĩ ta hiện nay cũng thích chủ đề này.
Bức tranh mô tả bốn cậu bé chạy chơi trong sân nhà với một hòn non bộ to và bụi trúc non phía sau. Phía trước là một cái bàn với những đồ chơi thủ công vương vãi. Không gian bình đồ “2D”, đồng màu chỉ gợi chút ít chiều sâu nhờ vài chi tiết định vị trước sau. Các cậu bé được tạo hình khá giống nhau về mắt, mũi, miệng, đầu tóc và trang phục. Chúng đang hớn hở đuổi bắt nhau khi chơi pháo bông (?). Tất nhiên đây là lũ con nhà trung lưu khá giả, xúng xính quần áo là lượt, chắc nhân dịp lễ tết gì đó. Các chi tiết được mô tả rất chi li nhưng theo các quy ước. Bụi tre, những hòn đá, bụi cỏ, đám tóc mai, nếp áo quần các hoa văn trên trang phục… đều vẽ theo các quy ước cứng nhắc nhưng toàn cục lại vẫn sinh động.
Theo SGTT