Trong điều kiện thời tiết như hiện nay khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, người lao động làm việc quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc trong hầm lò, phòng kín,… sẽ rất dễ dẫn đến hiện tượng say nắng, say nóng với các biểu hiện nhẹ là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu,…
Nặng hơn có biểu hiện khó thở, chuột rút, ngất, hôn mê,… khi đó cần sơ cứu giảm thân nhiệt cho nạn nhân (chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát ở những vị trí như nách, bẹn, cổ) rồi đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời tránh tử vong.
Trong trường hợp nhẹ, nạn nhân tỉnh táo, nghỉ ngơi có thể dùng một số bài thuốc Nam rất hiệu quả. Tùy từng điều kiện có thể áp dụng một trong các bài thuốc sau:
Lá tre
Bài 1: Lá tre, lá sắn dây mỗi thứ một nắm, rửa sạch, để ráo, giã vắt lấy nước cốt uống.
Bài 2: Bí xanh một miếng khoảng 150g, gọt vỏ, ép lấy nước, cho thêm vài hạt muối, chia 2 – 3 lần uống.
Bài 3: Bột sắn dây 2 – 3 thìa canh hòa vào nước đun sôi để nguội, thêm đường chia 2-3 lần uống ngay.
Bài 4: Bí đao 60g, lá sen 1 lá, gạo tẻ 80g, nấu thành cháo cho ít đường ăn khi còn ấm, ngày 2 lần hoặc dùng bột cúc hoa 15g, gạo tẻ 50g, đường vừa đủ nấu gạo thành cháo, rồi cho bột cúc hoa và đường vào đun sôi thêm một lát, ăn nóng.
Lá sen
Bài 5: Lá sen (hà diệp) tươi 1 lá, gạo tẻ 150g, đường trắng 30g. Đãi sạch gạo, đổ vào nồi, cho nước vừa đủ hầm thành cháo. Lấy lá sen úp lên trên mặt cháo, đun 5 phút, đợi cháo nguội bỏ lá sen đi, cho đường vào là ăn được.
Bài 6: Gạo tẻ một nắm, lá sen tươi 1 lá, thịt lợn nạc 30g băm nhỏ, đậu xanh 30-50g, bột (hoặc củ sắn dây) 30-50g, lá hương nhu tươi 12-16g, gia vị vừa đủ nấu cháo ăn trong ngày.
Bài 7: Lá tre tươi 12g, hương nhu tươi 16g, rau má tươi 12g, củ sắn dây 12g. Tất cả rửa sạch, cho vào ấm, sắc với 500ml nước lấy 150-200ml dùng cho người lớn uống, trẻ em uống 75-100ml, một ấm thuốc đun uống hai lần trong ngày.