Chị về làm dâu gia đình tôi năm 24 tuổi. Sau ngày cưới một tuần, anh tôi về lại cơ quan công tác. Làm dâu trong gia đình bố mẹ chồng đều già yếu, lại đông em nên chị lúc nào cũng tất bật
Chị có dáng người to cao, nước da nâu và mái tóc dài quá lưng. Tôi chưa bao giờ thấy chị kêu mệt hay đau ốm. Mọi việc dù nặng nhọc đến mấy, chị làm nhoáng cái là xong. Làng trên xóm dưới ai cũng quý mến chị.
Các anh chị tôi lần lượt gia nhập quân đội. Mọi việc trong nhà đều do chị dâu tôi làm. Hồi đó, quê tôi nghèo lắm. Bữa ăn chủ yếu là khoai sắn độn. Đến bữa ăn, chị ngồi đầu nồi chọn xới từng hạt cơm cho bố mẹ và em, còn mình ăn khoai, sắn. Mẹ tôi cứ nhìn chị mà nước mắt lưng tròng.
Bố mẹ tôi không được khỏe, chị vừa lo thuốc thang, rau cháo vừa lo việc đồng áng. Tôi là con út, vừa nhỏ vừa yếu nên chị không bao giờ cho tôi đụng tay vào bất cứ việc gì. Chị bảo: “Công việc của em là học tập. Không học là không làm được gì hết!”.
Là một đảng viên trẻ, ngoài việc gia đình, chị còn gánh vác công tác Đoàn Thanh niên của làng. Chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ ngày càng khốc liệt. Quê tôi trở thành “túi” đựng bom đạn. Chị dâu tôi luôn có mặt ở những nơi bom Mỹ vừa trút xuống. Chị là người đầu tiên lao vào cứu người, cứu tài sản bị bom vùi. Thương chị vất vả, tôi giành lấy việc nhà nhưng chị kiên quyết không chịu. Anh tôi mỗi năm chỉ có mấy ngày phép nên cũng chẳng giúp được gì.
Chín năm sau ngày cưới, chị mới sinh con đầu lòng. Cháu được một tháng thì tôi vào bộ đội. Ngày tôi nhập ngũ, chị không ngủ. Mới ba giờ sáng, chị dậy bắt gà làm thịt, nấu cơm nếp để cả nhà liên hoan tiễn tôi lên đường. Chị tiễn tôi lên tận nơi làm lễ giao quân cách nhà cả chục cây số. Chị luôn động viên: “Em cứ yên tâm huấn luyện và lên đường chiến đấu. Ở nhà đã có chị lo”.
Ra trường, tôi trở lại miền Nam nhận công tác. Năm tháng dần trôi, bố mẹ tôi lần lượt ra đi trong vòng tay của chị. Đến ngày anh đón chị ra Hà Nội đoàn tụ gia đình cũng là lúc tóc chị đã bạc trắng và những nếp nhăn đã phủ đầy khuôn mặt.
Hôm ấy, đang trên đường đi công tác vào Nha Trang, tôi nhận được điện thoại của chị. Chị gọi: “Mão ơi, chị nhớ em lắm. Chị bị ung thư phổi em ạ. Nhưng em đừng lo, chị không sao đâu. Chị không đau bằng em đâu vì phổi chị vẫn còn nguyên, còn em thì chỉ còn một nửa. Chị muốn gặp em một lần. Em ra nhanh nhé, chị chờ!”.
Chuyến tàu tốc hành hôm ấy bị trễ vì mưa lớn làm tuyến đường sắt Bắc – Nam sạt lở. Hai ngày sau, tôi mới về đến Hà Nội. Bức di ảnh chị dâu trên bàn thờ nhìn tôi. Tôi bùi ngùi thắp nén nhang và quỳ xuống trước di ảnh chị để xin chị thứ lỗi vì đã có lúc lãng quên công lao chăm lo và dạy bảo của chị.
Đã hơn mười năm chị dâu đi xa, cứ mỗi mùa Vu lan về, tôi lại thắp lên bàn thờ ba nén nhang để cầu mong cho bố, mẹ và chị dâu tôi luôn bình yên nơi cõi vĩnh hằng.
Phạm Văn Mão Đà Nẵng
(Theo nld)