Sau tai nạn đuối nước thương tâm của 4 em nhỏ ở Từ Liêm, Hà Nội, dư luận xót xa, trách đơn vị công thiếu trách nhiệm, không lập rào chắn. Tuy nhiên, đây cũng là bài học cảnh tỉnh các bậc phụ huynh sớm dạy con nhận biết và tránh xa nơi nguy hiểm. /
Sau rằm tháng bảy, 4 em nhỏ rủ nhau đi tắm rồi chết đuối dưới ao nước công trình đang thi công (không có biển báo) tại huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đây là hai cặp anh em, trong đó, cháu nhỏ nhất 11 tuổi, cháu lớn nhất đã 14 tuổi.
“Trong sự việc đau lòng này, ngoài nguyên nhân khách quan như đơn vị thi công không có rào chắn, cắm biển báo, thì có thể thấy một phần do các em thiếu kỹ năng tồn tại một cách hợp lý, như nhận biết được mối nguy hiểm và bảo vệ mình trước những hoàn cảnh hoặc sự việc tiềm ẩn rủi ro”, nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sống Smile’s House (Hà Nội) nhận xét.
Theo nhà giáo, lửa, nước, điện, nước sôi, người lạ, những tệ nạn, trò chơi không lành mạnh… là những hoàn cảnh và sự việc tiềm ẩn rủi ro. Người lớn phải giúp trẻ có nhận thức rõ ràng và có kỹ năng quản lý bản thân thì mới có những ứng xử đúng trong hoàn cảnh.
Gia đình của 4 cháu bé chết đuối ở huyện Từ Liêm, Hà Nội đang làm lễ cầu siêu cho các con xấu số của mình. Ảnh: Bá Đô. |
Tuy nhiên, thực tế, không ít phụ huynh chưa chú ý tới điều này.
Mỗi lần chở con đi học bằng ô tô, chị Ngọc (Ba Đình, Hà Nội) thường thót tim khi thấy con lao như cắt từ trong xe ra ngoài đường hay chạy xuống đuôi xe để sang đường, khi mẹ vừa đỗ xuống. Một người bạn chứng kiến việc này đã nói với chị: “Sao lại để bọn trẻ làm như vậy, chúng có thể bị tông bất cứ lúc nào”. Chị Ngọc than thở: “Biết vậy nhưng mắng bao lần mà chúng có chịu nghe đâu”.
Nhiều trẻ rất thích thú lội nước khi trời mưa, bố mẹ chỉ hò hét con “không được nghịch” hay “bẩn quá”… mà quên không nói cho con biết rằng, dưới làn nước đục ngầu kia có rất nhiều nguy hiểm rình rập: con có thể bị kim tiêm, mảnh sành, mảnh kính đâm phải, hay ngã vào cống nước, hố ga…
Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy cho biết, những trường hợp trên có thể dễ dàng bắt gặp hằng ngày, hằng giờ ở xung quanh ta. Thực tế, trẻ em ở nước ta, nhất là ở các thành phố, kỹ năng tự bảo vệ rất kém, mà lỗi chính là ở người lớn.
“Xã hội càng hiện đại càng tiềm ẩn nhiều mối nguy. Bố mẹ thường sợ hãi, lo lắng, tìm cách ngăn cấm gay gắt con trước các rủi ro nhưng lại quên giải thích cho trẻ vì sao và hậu quả có thể xảy ra. Điều này khiến trẻ, do tâm lý lứa tuổi vốn ham khám phá, lại càng tò mò. Trẻ sẽ không thể hiểu những từ chung chung khi bị người lớn mắng như ‘nghịch dại’, ‘nguy hiểm’… “, bà chia sẻ.
Thay vì cấm con xuống nước vì sợ chết đuối, hãy dạy cho trẻ học bơi và nhận biết lúc nơi nguy hiểm không được xuống. Ảnh minh họa: MT. |
Bên cạnh đó, các phụ huynh thường có thói quen làm hộ con mọi việc và cho rằng mình sẽ luôn bảo vệ con trước những tình huống rủi ro. Thực tế, bố mẹ không thể luôn bên cạnh con, nên hãy hướng dẫn trẻ có thể tự phục vụ mình, nhận biết được những gì nguy hiểm cần tránh. Chẳng hạn, khi trẻ đã lớn, thay vì pha sữa cho chúng, hãy hướng dẫn con biết rót nước nóng sao cho không đầy quá, biết cầm cốc sao cho không bị bỏng, rồi cách sử dụng dao để không làm đứt tay…
Khi trẻ còn nhỏ cần dạy con biết các mối nguy hiểm tránh xa: nước nóng, cháo nóng, quạt đang quay, ổ điện… Ở tuổi này, trẻ chưa thể hiểu được những điều phức tạp nên cần nói rõ ràng, đơn giản, chỉ ra cho con cụ thể, cái nào không được sờ vào, không được đến gần, bằng hình ảnh chứ không chỉ bằng ngôn từ. Có thể cho trẻ nhìn thấy, cảm thấy sự nguy hiểm bằng sự tiếp xúc trực tiếp dưới sự giám sát chặt chẽ.
Chị Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cậu con trai của chị rất hiếu động. Cháu thường thích đến gần nồi cơm điện khi hơi bốc nghi ngút hay cho tay vào quạt khi cánh đang quay. Nhắc nhở nhiều lần không được, chị đã dùng cách: Khi nồi cơm đang bốc hơi thì cầm tay cu cậu dí vào gần, thấy nóng cháu rụt lại ngay và lần sau không dám bén mảng tới đó nữa. Chị cũng thử tắt quạt và đợi khi cánh quay chậm lại thì cho tay cháu vào, thấy bị đau, cháu sợ cũng không dám nghịch trò này nữa.
Nhà giáo Lệ Thủy cho rằng, cách dạy trực quan này rất hiệu quả với trẻ nhỏ bởi khi có sự trải nghiệm trẻ sẽ phải tự rút ra bài học. Tuy nhiên, người lớn cần giám sát và chủ động đảm bảo an toàn cho con khi áp dụng điều này, không để cho trẻ tự trải nghiệm bởi có thể để lại hậu quả lớn.
“Dạy trẻ biết tự bảo vệ mình cực kỳ quan trọng nên bố mẹ phải thực sự bắt tay ngay, thực hiện luôn từ khi trẻ còn nhỏ, chứ không phải thụ động đến khi mọi sự xảy ra rồi mới lo lắng, cuống cuồng. Để dạy được con cần kiên nhẫn điều này, kiên nhẫn từng ngày, mất công chứ không chỉ là dặn dò xuông”, nhà tâm lý nói.
Bà cũng cho biết, bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho con, cần dạy trẻ những điều đơn giản nhất, từ những sinh hoạt hằng ngày, như khi bật bếp ga có mùi ra sao, lúc đó nên làm thế nào…
Bên cạnh đó, hằng ngày hãy cùng con chơi những trò chơi tình huống, đố con nói gì, làm gì khi ở trong các hoàn cảnh khó khăn (lúc lạc đường, khi bị người lạ rủ đi chơi, khi ở nhà một mình và có sự cố xảy ra…).
Ngoài ra, mỗi câu chuyện, những tai nạn nhìn thấy, nghe thấy trên các phương tiện truyền thông đều có thể biến thành bài học chia sẻ với trẻ, giúp con hiểu trong tình huống đó nên làm gì, vì sao bị như thế… thay vì chỉ mang ra làm câu chuyện phiếm giữa người lớn với nhau.
Bà Thủy cũng cho rằng, các trường học cũng nên có chương trình chính khóa về các kỹ năng cụ thể dạy trẻ cách tự bảo vệ mình, quản lý bản thân.
Minh Thùy
(Theo vnexpress)