“Phương án 0 tuổi”, “Dạy trẻ thông minh sớm”, “Dạy trẻ biết đọc sớm”, “Dạy con từ thuở còn thơ”, “Dạy con thông minh theo kiểu Nhật”, “Thiên tài và sự giáo dục từ sớm”, “Em phải đến Havard học kinh tế”,… nằm trong vô số các sách dạy con thông minh, dù đã được xuất bản hay chỉ là bản dịch lưu truyền trên mạng, hiện đang được nhiều bà mẹ trẻ chọn làm cẩm nang dạy con.
Tìm thầy, chọn sách
Trên các diễn đàn Web Trẻ thơ, Làm cha mẹ hay P.E.E Club (parents’ early education – câu lạc bộ cha mẹ giáo dục con từ sớm), những bàn luận xoay quanh đề tài này thu hút được rất nhiều phụ huynh tham gia. Bà mẹ có tên TA-conyeu, thành viên diễn đàn Làm cha mẹ, mặc dù con mới 4 tháng tuổi nhưng đã nghiên cứu nhiều sách và xây dựng hẳn một chương trình với mục tiêu dạy con thông minh.
Dạy con sớm là tốt, tuy nhiên cha mẹ không nên quá kỳ vọng. |
Chị Nguyễn Hồng Thoa, thành viên P.E.E Club, có con 8 tháng tuổi, cũng cho biết hiện chị đang tìm hiểu một số trường áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến để cho con đi học. Trên diễn đàn Web Trẻ thơ, mẹ botbon cũng chia sẻ đã nghiên cứu kỹ cuốn “Thiên tài và giáo dục từ sớm” và rất muốn áp dụng cho con nhưng vẫn còn băn khoăn vì không muốn con trở thành nhà khoa học thiên tài như bốn nhân vật được nhắc đến trong cuốn sách đó, mà chỉ muốn cố gắng dạy sao để con được phát triển toàn diện.
Không quá kỳ vọng
TS Giáo dục học Trương Thị Kim Oanh, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Giáo dục Việt Nam cho biết, thực chất giáo dục trẻ thông minh sớm là dạy trước cho trẻ những kiến thức, kỹ năng “cao” hơn lứa tuổi. Đáng lẽ đến khi 3 tuổi bé mới dần nhận biết và phân biệt màu sắc nhưng nhiềugia đìnhđã cho con học sớm lên. Nhu cầu, mong muốn đó của các bậc cha mẹ là có thể chấp nhận được. Thực tế từ xưa đến nay, chúng ta vẫn dạy con cái ngay từ khi con mới lọt lòng, mà không ý thức rằng đó là giáo dục.
Ví dụ như Đặng Thái Sơn khi trở thành thiên tài âm nhạc cũng đã từng chia sẻ những bài hát dân ca, điệu hát ru được nghe từ khi lọt lòng mẹ đã ảnh hưởng đến ông. Hay khi nói chuyện với con sơ sinh mặc dù trẻ chưa phản ứng gì nhưng những người mẹ vẫn hy vọng trẻ hiểu được lời nói của mình – trẻ có thể không hiểu lời nói, nhưng trẻ hiểu được “thông điệp” của người mẹ qua cử chỉ, giọng nói. Khi bé lớn hơn một chút mẹ thường dạy con tập nói, kể chuyện, đọc sách cho con nghe… Tuy nhiên, tất cả những cái đó đều là tự phát và là bản năng của người mẹ. Nếu cha mẹ biết cách để duy trì liên tục những việc đã làm đó và có một chút kiến thức kỹ năng để giúp trẻ chơi – học thì chính đó là giáo dục sớm cho trẻ.
TS Trương Thị Kim Oanh nhấn mạnh, dạy con sớm là tốt, tuy nhiên cha mẹ không nên quá kỳ vọng, đừng đồng nhất việc giáo dục trẻ thông minh sớm với việc con sẽ thành thần đồng, thành thiên tài. “Bạn hãy nhìn lại xem, chẳng lẽ chỉ những trẻ nhà giàu được cha mẹ đầu tư tiền của, có điều kiện được tiếp cận với các phương pháp giáo dục thông minh sớm, mới phát triển trí tuệ sớm, mới thông minh và tài năng? Thực tế, những học sinh thi Olympia, thi các giải quốc tế, những thủ khoa đại học vẫn chủ yếu là con nông dân lao động đấy thôi. Các em đâu có được biết đến cái gọi là phương pháp giáo dục trẻ thông minh sớm”…
Quá trình phát triển xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Xã hội càng phát triển, càng năng động, tâm lý, nhân cách của trẻ cũng theo đó phát triển nhanh hơn, sớm hơn. Thông qua các hoạt động vui chơi, tham gia các sự kiện xã hội, du lịch, picnic, hoạt động nhóm… trẻ có thể học hỏi được nhiều điều và phát triển các kỹ năng, tư duy, trí tuệ.
TS Trương Thị Kim Oanh
( theo Beenet)