Những gì còn sót lại của khu mộ đá Đống Thếch 400 tuổi sắp bị lãng quyên và biến mất bởi cỏ dại….
Khu vực rừng mộ đá Đống Thếch (Vĩnh Đồng, Kim Bôi, Hòa Bình) vốn thuộc Tổng Mường Động ngày xưa. “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”, mỗi xứ Mường đều có khu nghĩa địa riêng dành cho quan lang, thổ tù, song chỉ có khu nghĩa địa mộ đá của xứ Mường Động là còn tồn tại đến ngày nay và cũng là di chỉ có giá trị nhất về mặt lịch sử cũng như khảo cổ học.
Theo gia phả họ Đinh, người dựng nên xứ Mường Động là ông Đinh Văn Cương, người Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Để con cháu đời sau không quên công đức, dòng họ này đã xây dựng nghĩa địa mộ đá rộng lớn như một khu rừng, những mong trường tồn vĩnh cửu với thời gian.
Năm 1974, Viện Khảo cổ đã khảo sát, nghiên cứu, khu mộ cổ hầu như vẫn còn nguyên vẹn với hơn 100 ngôi mộ và hàng ngàn phiến đá có khắc chữ. Trước sự “chậm trễ” của nghành khảo cổ thì giới buôn cổ vật đã kịp đào xới và “cuỗm” đi nhiều cổ vật quý giá.
Thế nhưng những gì phát lộ trong đợt khai quật do Sở VH-TT Hoà Bình phối hợp với Viện Khảo cổ, Bảo tàng lịch sử Việt Nam tiến hành năm 1984 cũng làm cho giới nghiên cứu không khỏi ngỡ ngàng sửng sốt trước hàng trăm cổ vật thuộc nhiều triều đại nước Việt và những đồ gốm sứ chế tác tinh xảo của Trung Quốc, Nhật Bản thế kỷ XVII. Năm 2000, Khu mộ đá cổ Đồng Thếch được công nhận là di tích quốc gia đặc sắc về khảo cổ và lịch sử văn hóa.
Mặc dù vậy trong thời gian qua các ngành chức năng đã thiếu sự quan tâm thỏa đáng, chính quyền địa phương thì lúng túng trong phương án bảo tồn, thiếu kinh phí để bảo vệ và trùng tu di tích khiến cho khu di tích đang bị xâm hại nghiêm trọng.
(Giang Hoàng, nguồn ảnh aFamily.vn – Theo MaskOnline)
(Theo afamily)