Khi nối chuyến bay nội địa từ sân bay quốc tế Ataturk của thành phố Istanbul đến sân bay Kayseri ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ thì chúng tôi đã bắt đầu những trải nghiệm khó quên ở vùng đất Tiểu Á này.
Khi Hãng Hàng không Turkish Airlines đặt đường bay chính thức tại Việt Nam vào cuối năm ngoái (tháng 12-2010) thì đất nước này trở nên gần gũi hơn với du khách Việt.
Cầu Bosphorus nối liền hai châu lục Á-Âu
Đặc biệt với những ai thích khám phá những miền đất lạ, giàu có về các di tích, thắng cảnh, có bản sắc văn hóa. Thổ Nhĩ Kỳ là nơi như thế.
Ngoài sự pha trộn các nền văn hóa Âu – Á, thì những chứng tích về quá khứ huy hoàng của ba đế chế Byzantin, La Mã và Ottoman dễ làm say lòng du khách. Ai một lần ghé đều cảm thấy chưa đủ, để rồi sẽ nhớ và mong có dịp trở lại.
Cô hướng dẫn viên người Thổ có cái tên khó đọc cho đúng Ilknur Ozdemir trong mười ngày hướng dẫn nhắc nhiều đến một người, Mustafa Kemel Atarurk. Ông là người đứng ra giải phóng đất nước khỏi sự cai trị hà khắc của đế chế Ottoman sau 400 năm và trở thành vị tổng thống đầu tiên vào năm 1923.
Thánh đường Blue Mosque, biểu trưng của thành phố Istambul
Người dân Thổ còn biết ơn ông vì những cải cách triệt để về chính trị, tôn giáo, pháp luật, xã hội, giúp đất nước nhanh chóng vươn lên hiện đại như cải cách chữ viết theo âm vị La tinh, tách tôn giáo ra khỏi thể chế chính trị dù có đến 99% người dân theo đạo Hồi, về quyền phụ nữ… Tên ông được đặt cho sân bay lớn nhất và có ý nghĩa là “Người cha của dân tộc”.
Ngày trước, khi khoảng cách địa lý còn xa thì nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nexin đã được nhiều thế hệ người đọc Việt Nam yêu thích vì sự duyên dáng, thẳng thắn trong cách châm biếm, phê phán hiện thực xã hội.
Khi biết nhiều đầu sách của ông vẫn được tái bản, tiêu biểu như: “Những người thích đùa”, “Con cái chúng ta giỏi thật”… Cô hướng dẫn ngạc nhiên và cho biết đã thấy Việt Nam gần gũi hơn rất nhiều vì đây là nhà văn được thế hệ bố mẹ cô say mê đọc.
Và nếu ai có ý định đến Istanbul, xin hãy đọc tác phẩm cùng tên của nhà văn Orhan Pamuk, người đoạt giải Nobel văn học năm 2006 để hiểu, biết và đồng cảm với hồi ức vinh quang cũng như nỗi buồn của người yêu mến thành phố này đến từng viên gạch.
Chúng tôi có dịp thưởng thức thỏa thích trái cherry (anh đào) tại khu vườn rộng hàng chục hécta trên con đường từ Konya đến Pamukkale. Ban đầu định quay phim, ghi hình lén vì vườn cây quá đẹp, đang vào mùa thu hoạch nên cả vườn rực màu trái chín.
Sau lại được hai chủ nhân mời vào giới thiệu, chúng tôi biết được cherry của Thổ cung cấp cho nhiều nước châu Âu, giá cả tại vườn rất rẻ, 5 lira/kg (khoảng 75.000đ) trong khi mua tại TP.HCM có khi đến 500.000đ/kg.
Sau này chúng tôi mua tại chợ và siêu thị ở Istanbul từ 10 – 12 lira/kg để về làm quà, đây loại trái ngọt để ăn tươi rất được ưa chuộng vì cung cấp nhiều vitamin cho cơ thể; các loại trái chua dùng làm rượu và mứt. Đoàn chúng tôi cũng đã có dịp nếm thử để lâng lâng, say say trong trời chiều mát lạnh tại một ngôi làng cổ ở Izmir.
Nhà tắm Thổ truyền thống
Cũng tại đây, chúng tôi được ngắm “rừng” cây ôliu mênh mông, bạt ngàn từ đỉnh núi, đỉnh đồi xuống thung lũng. Vì thế, ngoài những chai rượu vang cất kiểu thủ công, quà đặc sản mang về còn là chai dầu hay những bánh xà phòng từ tinh dầu ôliu rất thông dụng ở đất nước này.
Điều khiến chúng tôi ấn tượng là chỉ trừ các thành phố lớn thì mới có bóng dáng phụ nữ đứng sau quầy hàng, còn thì nam giới là lực lượng chủ yếu với cung cách bán hàng đã nâng lên thành nghệ thuật.
Ban đầu chưa quen chúng tôi hơi hoảng vì ghé đến nơi nào cũng bị đông đảo nhân viên bao vây chào mời và bị rối trong ma trận giá cả, mà giá nào cũng thương thảo được. Khi bình tĩnh rồi thì biết rằng khéo trả giá thì có thể mua được món hàng đẹp, chất lượng tốt mà chỉ khoảng 20 hoặc 30% giá rao.
Thổ Nhĩ Kỳ đã có tiếng trên thế giới về hàng da, thảm len, mỹ nghệ… Người Thổ nổi tiếng trọng giao thương đã trở thành truyền thống từ thời con đường tơ lụa, họ biết xây dựng nhiều trạm dừng cho đoàn thương buôn đường dài nghỉ ngơi mà không thu phí.
Ngày nay, những trạm dừng xe cho chúng tôi ấn tượng tốt vì sạch và tiện lợi với các siêu thị mini, quầy hàng lưu niệm hay các quán cà phê mùi thơm sực nức. Họ thu phí đi vệ sinh hơi cao nhưng không ai cảm thấy phiền lòng vì ngoài sự thoải mái thì khi xe vừa dừng lại đã có người cầm vòi rửa xe sạch sẽ.
Tắm Thổ (Turkish Bath) hay nói rõ hơn là đi tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ là điều đầu tiên trong 10 điều phải làm ở Thổ Nhĩ Kỳ theo nhiều trang website và sách hướng dẫn du lịch.
“Tiếng lành đồn xa” càng làm chúng tôi tò mò. Không đợi lâu hơn nữa, vừa tới khách sạn ven biển ở thành phố Kusadasi, chúng tôi đã hẹn nhau, tập trung ở sảnh để đi tắm Thổ ở ngay tầng trệt.
Căn phòng đá cỡ 20 mét vuông có một chiếc bàn đá cẩm thạch hình lục lăng nằm giữa phòng và xung quanh là bốn bể nước đá. Hai cô gái xinh xắn, trắng muốt, chỉ mặc bikini đứng chờ sẵn ở đó. Chính xác hơn là các cô cũng quấn ngang hông một lớp khăn dài hơn gang tay y hệt chúng tôi.
Phía bên kia, người đàn ông râu quai nón cao to lực lưỡng cũng quấn ngang hông một mảnh khăn tương tự. Hai cô gái tắm cho đàn ông, còn người râu quai nón tắm cho phụ nữ, cả phòng tắm nam nữ lộn xộn, vui như họp chợ, lời qua tiếng lại rôm rả như đánh tổ tôm.
Hai cô gái đã lấy ra cái xô trắng, vục vào đó một cái khăn vải rất dài và khi rút khăn ra, toàn bộ tấm khăn đẫm nước xà phòng. Nhoằng một cái, không hiểu các cô kéo tấm khăn kiểu gì, một tầng bọt xà phòng dày tới ba chục phân đã trải lên người chúng tôi.
Các cô bắt đầu xoa khắp người chúng tôi như massage. Tắm rất vui nhưng khi tắm xong chúng tôi mới biết đó không phải là tắm Thổ truyền thống. Càng tò mò về tắm Thổ, rà lại Lonely Planet một lần nữa, chúng tôi ghi ra tên nhà tắm Thổ truyền thống nổi tiếng nhất Istanbul và quyết tâm đi tắm một lần nữa.
“Quý ông” bán hàng ở Thổ
Bên cạnh những điểm du lịch nổi tiếng đã đến thăm, chúng tôi cũng không quên những con đường thiên lý thẳng tắp từ Capadocia đi thành phố biển Izmir, tốc độ xe không dưới 100km/giờ, những cánh đồng lúa mạch trải dài, vàng ươm vây bọc những làng mạc duỗi mình dưới thung lũng và cả những cánh đồng hoa anh túc trắng, được trồng dưới sự kiểm soát của chính phủ.
Những khách sạn sang trọng, những ngôi biệt thự, nhà nghỉ dành cho khách du lịch nép mình bên bờ Địa Trung Hải êm ả mang đến sự thư giãn tuyệt đối.
Buổi chiều tà tản bộ bên bờ vịnh Bosphorus nơi hàng nghìn du khách tụ tập hưởng làn gió biển mát lành, xem các ban nhạc tạp kỹ đường phố, nhìn những con tàu về bến hay lang thang dạo chợ mua sách, quà lưu niệm gần đó là cái thú của du khách sau một ngày vất vả chen chân ở các điểm tham quan…
Cũng không thể quên cái cảm giác như trở về nhà khí xe chở đoàn chầm chậm lăn bánh qua cầu về bên bờ Á để chúng tôi có quyền tự hào, trong một ngày đã xuyên hai lục địa.
Theo Kim Phi – Khánh Duy Doanh nhân Sài Gòn
(Theo 24h)