Thị trấn Pò Chài (bên kia cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn) buôn bán sầm uất, nhộn nhịp. Đây có lẽ nơi tập kết hàng hóa lớn nhất chảy từ Trung Quốc về Việt Nam. Ngoài cái nhất đó, thị trấn Pò Chài còn được mệnh danh là “thiên đường gái”, mà chủ yếu là gái Việt Nam. Họ sang đây bằng nhiều con đường khác nhau và vì những hoàn cảnh đặc biệt mà phải bán thân kiếm sống.
Lang thang ở khu phố mà giới ăn chơi người Việt gọi là “Hồng Kông 2″, tôi làm quen với một cô gái bán hoa tên Kh., ở nhà hàng Hương Đồng. Kh. quê ở Thanh Oai (Hà Nội). Trước cô “được” một người quen cùng xã Bích Hòa bán cho một người đàn ông Trung Quốc. Sống với ông ta được 2 năm thì ông ta đem bán cho nhà hàng karaoke làm gái bán dâm vì… không biết đẻ. Chẳng còn đường về nữa, Kh. chấp nhận làm thân gái bán hoa.
Theo lời Kh., ở tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông có tới hàng ngàn phụ nữ rơi vào hoàn cảnh như cô. Cũng có người lấy được tấm chồng tử tế song phần nhiều là bất hạnh.
Theo lời giới thiệu của Kh., tôi tìm gặp một người đàn bà tên là Liên. Chẳng khó khăn gì khi tìm đến nhà bà, căn nhà khá khang trang ở gần chợ, bà đang bán hàng ở ki-ốt cách đó không xa.
Trong vai người anh giãi bày hoàn cảnh đi tìm em gái mới bị lừa bán sang Trung Quốc, bà Liên thương tình đồng hương quẳng cho xem một xấp hình tới hàng trăm cô gái. Phía sau mỗi tấm ảnh là lý lịch trích ngang ghi đầy đủ tên, tuổi, quê quán. Tôi chăm chú xem từng tấm hình, già có, trẻ có, quê quán chủ yếu ở mấy tỉnh miền Bắc như Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng… đặc biệt nhiều ở các huyện thuộc Hà Tây cũ.
Bà Liên quê ở Bắc Ninh, làm dâu Trung Quốc đã 20 năm. Thoạt đầu chỉ làm mai giúp người quen sang đây cho có đồng hương, đồng khói, sau rồi có nhiều người nhờ giúp tìm chồng Trung Quốc bà mở luôn dịch vụ. Công việc của bà khá thuận lợi nhờ có ông chồng Trương Vàng Sinh có tài quan hệ với mấy “cớm” ở thị trấn. Hơn 10 năm nay, ông tơ, bà nguyệt này đã kết tóc xe duyên cho hàng trăm phụ nữ có khát vọng đổi đời. Bà oang oang kể những thành tích mà mình đã làm được và không quên nhắc đi nhắc lại rằng bà chỉ nhận “hàng tình nguyện”, tức là chỉ giúp những cô gái tự nguyện tìm sang đây lấy chồng.
Từ lão nông nghèo đến các “lão pản” (ông chủ giàu sụ) nếu muốn lấy vợ Việt Nam đều tới “trung tâm” của bà để “đặt hàng”, sau đó để lại địa chỉ liên hệ cùng tiền đặt cọc. Còn các cô gái Việt Nam, muốn lấy chồng thì đến “trung tâm” trình bày nguyện vọng, để lại địa chỉ, ảnh… Bà còn có một đội quân chuyên đi điều tra tung tích các cô gái này vì theo bà lý giải “để tránh hàng quay”. Sau khi “phân hàng”, gồm “hàng phây” (các cô gái độ tuổi 25 đổ lại), “hàng cỗi” (các cô gái ngoài 30), bà còn tỉ mỉ vạch bụng kiểm tra để… tìm sẹo. Bà bảo: “Đàn ông Trung Quốc lấy vợ rất kén chọn và cẩn thận. Họ sợ lấy phải người “không biết” đẻ, do đó những người có sẹo trên bụng họ đều từ chối, cho dù mổ bụng do ruột thừa họ cũng nghĩ là đã bị… cắt dạ con”.
Thỏa thuận giá cả xong, các cô gái ở lại “trung tâm” để trau dồi… ngoại ngữ. Nói là học ngoại ngữ, nhưng chỉ vài cơ bản như “ủa ái nỉ” (em yêu anh), “nỉ ái ủa ma” (anh yêu em không), “suây cheo” (đi ngủ), “sư phàng” (ăn cơm)… Ngoài ra còn học một số phong tục, lễ nghi và nghệ thuật chiều các ông chồng Trung Quốc – những kẻ sinh ra và lớn lên đã mang nặng tư tưởng nho giáo. Ngoài ra các cô còn được “mông má” kỹ lưỡng từ cách ăn vận cho tới đầu tóc, trang điểm để giống “gái Tàu”.
Sau khi thỏa thuận đôi bên, bà gọi điện cho đối tác đến xem “hàng”, còn ông chồng của bà thể hiện vai trò “moi móc” những tân rể. Những bài quảng cáo đã được lập trình từ trước rằng đảm bảo “hàng xịn”, từ bé đã biết hay lam hay làm, đã yêu là yêu đến cùng và nguyện chung thủy đến cuối đời…
Theo thỏa thuận, bà Liên bí mật gửi tiền về địa chỉ các cô gái đưa cho. Số tiền các anh “chồng Tàu” trả thường từ 5000 đến 50.000 tệ, tùy thuộc vào “mẫu mã” và “chất lượng hàng” cùng với câu cú khi giới thiệu tính tình, sở thích của vợ chồng bà Liên. Tôi hỏi: “Thế tiền dịch vụ môi giới?”, bà trả lời “chỉ làm phúc thôi”, nhưng mỗi khi gặp “lão pản” khù khờ có thể kiếm cả chục ngàn tệ như chơi.
Tôi thử khích bằng vài lời khen tài làm kinh tế của bà tức thì bà ỉu xìu: “Không phải lúc nào cũng dễ xơi vậy đâu”. Nói rồi bà lục trong đống ảnh đưa cho tôi một tấm. Đó là hình một cô gái trẻ khá xinh tên Phùng Thị Phương, quê ở Hà Đông và bà nói đó là “hàng quay”. Bà lý giải, hồi đầu năm, Phương tìm đến gặp bà bày tỏ muốn lấy chồng Trung Quốc. Nhìn bề ngoài dễ thương, ăn nói nhẹ nhàng, bà tìm cho cô một “lão pản” tên A Pí, 40 tuổi, tiếng tăm nhất vùng Đông Hưng. Được nửa tháng, A Pí cùng một đám đệ tử vác dao đến nhà đòi… vợ, nếu không sẽ xin… tí tiết. Lý do là gã chưa hưởng trọn tuần trăng mật thì Phương đã biến mất cùng 100 ngàn tệ trong két sắt. Nể tình chồng bà là người Trung Quốc lại có dính dáng đến cảnh sát nên hắn “hữu nghị” lấy lại một nửa là 50 ngàn tệ. Tức quá, bà tìm hiểu tung tích của Phương mới vỡ lẽ Phương là “siêu cao thủ” trong kỹ nghệ lấy chồng “Chai Nờ”. Chẳng thế mà mới 25 tuổi cô đã có 30 lần lên… xe hoa. Từ cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), Thanh Thủy (Hà Giang) đến Tân Thanh (Lạng Sơn), Phương đều truất ngôi hạ bệ ngay các anh chồng khi chưa hết tuần trăng mật. Từ bận ấy, bà Liên rất cảnh giác với loại “hàng quay” này.
Câu chuyện nực cười về “hàng quay” đã xảy ra từ năm ngoái mà những người dân ở Pò Chài vẫn kể nhau nghe rất thời sự. Có “lão pản” tên Pú Sính ở Côn Minh tới thăm con trai ở Pò Chài, đến nơi lão mới tá hoả nhận ra cô con dâu kia chính là vợ mới cưới của lão cách đây mấy tháng đã bỏ trốn cùng với số tiền 30 ngàn tệ. Chính vì lẽ đó mà đàn ông Trung Quốc đến “trung tâm” của bà Liên đều đòi giấy bảo hành, nhưng bà bảo “thời hạn chỉ 3 tháng”.
Câu chuyện đang đến hồi sôi nổi thì có một cô gái khá đẹp tìm đến gặp bà Liên. Tên cô là Hương, quê ở Kim Thành – Hải Dương. Tuy mới 23 tuổi song đã có 4 năm làm dâu “đất Tàu” với 3 đời chồng. Hai đời chồng trước “ky” quá nên Hương tự bỏ. Được bà Liên giới thiệu cho “lão pản” này Hương ơn bà lắm. “Lão pản” rất thương yêu, chiều chuộng và cưng nựng cô. Ngoài việc mua sắm, ăn tiêu xả láng, hàng tháng Hương còn gửi tiền về nuôi mẹ và em. Mới mang thai hơn 2 tháng mà cô đã đi khám thai đến cả chục lần. Hôm nay, Hương xin tiền lão chồng đi khám thai song thực chất là để nhờ bà Liên gửi hộ tiền về quê. Chẳng thế mà mới làm dâu trên đất “Chai Nờ” được vài năm, Hương đã mua được nhà cửa ở thành phố làm vốn, sau này nhỡ lão chồng thay vợ, còn có đường mà về.
Nước nhà ở ngay bên kia, nhưng không phải cô gái thất bại với mộng chồng “Tàu” nào cũng đủ dũng khí để trở về. |
Trò chuyện với Hương tôi mới vỡ lẽ việc lấy chồng Trung Quốc là cả một nghệ thuật. Moi tiền chồng cũng phải khéo: “Các ông chồng nóng tính lại ky bo song nếu biết chiều chuộng, nịnh nọt thì họ lại rất thoáng”. Nghe Hương thao thao kể về chiến công moi tiền của mình, tôi thấy buồn cười nhưng nụ cười của tôi chợt méo xệch. Tôi thừa hiểu rằng người đàn ông hơn cô đến chục tuổi không ngu ngốc đến nỗi như cô nghĩ. Chẳng qua cô còn trẻ, còn đẹp nên được chồng cưng nựng, chiều chuộng. Đến khi nhan sắc tàn phai đời cô sẽ ra sao? Có lẽ do cô còn trẻ quá nên chưa hiểu được.
Những cô gái may mắn như Hương không phải là nhiều, phần lớn họ rơi vào cảnh đắng cay, tủi nhục. Bà Liên chỉ cho tôi đường đến khu “Duyê nán tơ chia xieng” (xóm Việt Nam). Xóm nhỏ này nằm ở ven thị trấn, cuối phố “Hồng Kông 2″, bên cạnh con suối nhỏ. Gọi là xóm Việt Nam vì ở đây có độ 50 cô gái Việt Nam đang sinh sống cùng những ông “chồng Tàu”. Xóm nghèo vắng tanh bởi mọi người đều đi làm từ tờ mờ sáng.
Chiều tối tôi mới gặp một phụ nữ tên Vân. Vân gầy gò xơ xác và quá già so với độ tuổi 30 của mình. Chị cho hay, mỗi ngày phải làm quần quật 10 tiếng trên đồi chè, tối về lại hầu hạ chồng như ôsin miễn phí. Chồng chị là gã ham rượu chè, cờ bạc lại vũ phu. Chỉ cần không hài lòng là gã thượng cẳng tay, hạ cẳng chân. Tôi hỏi sao không trốn về, Vân lắc đầu nguây nguẩy: “Trốn về thì bỏ con đi à. Mà mang con về Việt Nam, cũng lấy chồng sao được nữa. Biết làm gì kiến ăn. Ở đâu cũng thế thôi. Kiếp này đã vậy thì cũng đành chịu”. Tôi kể chuyện quê nhà, Vân nghe như nuốt từng lời. Đã 10 năm rồi cô chưa một lần về quê.
(theo vtc)