Khi quan sát một thiên hà xa xôi, các nhà khoa học phát hiện 7 vụ nổ sao siêu lớn, một sự kiện chưa từng được ghi nhận trong lịch sử thiên văn.
Thiên hà Arp 220, nơi các nhà thiên văn phát hiện 7 siêu tân tinh. Ảnh: ESA. |
National Geographic cho biết, các vụ nổ sao siêu lớn (siêu tân tinh) xảy ra trong Arp 220, một thiên hà cách trái đất tới 250 triệu năm ánh sáng.
“Từ trước tới nay giới khoa học mới chỉ chứng kiến tối đa ba siêu tân tinh trong một thiên hà. Chỉ chừng ấy vụ nổ thôi cũng là con số rất ấn tượng”, Fabien Fatejat, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Chalmers ở Thụy Điển, phát biểu. Fatejat là trưởng nhóm quan sát thiên hà Arp 220.
Fatejat cho biết, mỗi siêu tân tinh trong thiên hà Arp 220 có chiều dài tới gần một năm ánh sáng.
Để tưởng tượng mức độ gây sốc của sự kiện 7 siêu tân tinh cũng xuất hiện trong một thiên hà, chúng ta chỉ cần biết rằng cứ vài trăm năm mới có một siêu tân tinh xuất hiện trong dải Ngân Hà.
Một siêu tân tinh trong vũ trụ. Ảnh: zimbio.com. |
Nhóm của Fatejat đã theo dõi những tín hiệu radio từ Arp 220 trong suốt 17 năm qua. Họ sử dụng 57 kính thiên văn tại 5 quốc gia để thực hiện công việc. Arp 220 nổi tiếng vì nó được coi là “nhà máy sản xuất các ngôi sao” với công suất lớn. Bụi và khí tập trung với mật độ dày đặc ở vùng trung tâm của Arp 220 nên ánh sáng không thể xuyên qua, dẫn tới việc các nhà thiên văn không thể quan sát vùng trung tâm bằng kính thiên văn quang học. Tuy nhiên, sóng radio có thể di chuyển qua lớp bụi khí để tới các kính thiên văn radio trên trái đất.
Siêu tân tinh là một số loại vụ nổ của ngôi sao lớn tạo nên những vật thể rất sáng. Độ sáng của chúng tăng vọt tới hàng tỷ lần trong một thời gian ngắn rồi giảm dần sau vài tuần hay vài tháng.
Mạnh Hồng
(Theo vnexpress)