Cơ sở y tế từ chối khám chữa cho trẻ hoặc thu tiền khám chữa cho trẻ dưới 6 tuổi trái với quy định sẽ chịu phạt 5-10 triệu đồng, đây là một trong các biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi của trẻ, được nêu ra trong Nghị định do Chính phủ vừa ban hành.
Ảnh minh họa: justfocus.org.nz. |
Nghị định ban hành hôm 17/10 quy định khá chi tiết về các hình thức xử phạt hành chính trong việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ ở nhiều lĩnh vực: từ việc bạo hành trẻ ở gia đình, việc giám hộ, chăm sóc trẻ tại trường học, cơ sở y tế đến nhóm trẻ lang thang, các loại văn hóa phẩm liên quan….
Chẳng hạn, mức phạt 5-10 triệu được áp dụng với những ông bố bà mẹ bỏ con sau khi sinh, không chăm sóc nuôi dưỡng, bỏ rơi trẻ nơi công cộng, không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Phạt tiền 1-3 triệu đồng với cha mẹ hoặc người giám hộ bắt trẻ đi lang thang kiếm sống. Mức phạt này tăng lên gấp ba với những người dùng tiền hoặc vật chất lôi kéo trẻ đang sống cùng cha mẹ bỏ nhà đi lang thang…
Những người cho trẻ xem văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực, kinh dị bị phạt 5-10 triệu đồng, và phải đóng gấp đôi số tiền này nếu đưa hình ảnh của trẻ vào những sản phẩm như vậy.
Những người thực hiện một trong các hành vi đánh đập gây tổn hại sức khỏe, đe dọa, xúc phạm nhân phẩm, danh dự trẻ… bị phạt cảnh cáo 1-5 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng cho đối tượng ép trẻ phải nghỉ học, làm việc quá sức, hoặc từ chối cho trẻ bị khuyết tật (hay nhiễm HIV, có người nhà nhiễm HIV) vào học tại các trường.
Nghị định cũng đưa ra mức phạt khá cao cho các trường hợp nghiêm trọng hơn như phạt tiền đến 20 triệu đồng với người có hành vi tập hợp trẻ lang thang đi bán sách, báo, vé số để trục lợi, hoặc sử dụng trẻ trong các cơ sở xoa bóp, sòng bạc… Mức phạt này cũng áp dụng cho hành vi sản xuất, lưu hành đồ chơi bạo lực, kinh dị, đồi trụy có hại cho sự phát triển của trẻ.
Trường hợp nghiêm trọng sẽ chuyển cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 02/12 tới.
T. An
(Theo vnexpress)