ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Cha mẹ chia phe, con khốn khổ ‘chịu trận’
Thursday, November 3, 2011 8:20
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Có đôi khi, vì những trục trặc, những hiềm khích giữa người lớn mà các bậc cha mẹ tìm đủ mọi cách lôi kéo con về phe mình.

Trong mỗi gia đình, đứa con thường là cầu nối giữa cha mẹ, là thiên thần mang về niềm vui và hạnh phúc. Nhưng có đôi khi, vì những trục trặc, những hiềm khích giữa người lớn mà các bố, các mẹ tìm cách lôi kéo con về “phe” mình.

Để rồi trong cuộc chiến tranh của người lớn, họ sẽ có khả năng giành phần thắng. Chính vì thế, một cách vô tình, họ đã đẩy con cái mình vào những vòng khuyết thiếu của một tuổi thơ không trọn vẹn…

“Bố mày chẳng tốt đẹp gì đâu, chỉ có mẹ là thương mày”

Cuộc hôn nhân của chị Vân và anh Hùng dựa trên cơ sở tình yêu nên rất hạnh phúc. Mọi người tin là gia đình nhỏ của anh chị sẽ luôn bền vững. Người ta nói về anh chị như một tấm gương mà người trẻ phải học để giữ hạnh phúc cho gia đình mình. Thế nên chẳng ai ngờ rằng, có một ngày anh Hùng lại ngoại tình. Có lẽ chính Hùng cũng không nghĩ rằng bồ của mình sẽ đến tận nhà để đánh ghen ngược với Vân.

Sau trận ầm ĩ ấy, hạnh phúc như mơ của gia đình bé nhỏ tan vỡ. Không ai biết phải làm cách nào để hàn gắn anh chị. Lỗi là của Hùng. Không ai dám bênh Hùng, kể cả nếu Vân đòi ly hôn thì cũng không ai dám ngăn cản.

Nhưng may mắn là chị không làm như vậy. Mọi người nghĩ Vân là một người phụ nữ bao dung. Chị nghĩ cho con gái nhỏ 5 tuổi, chị không muốn con lớn lên trong cảnh không có bố nên Vân đã dẹp bỏ mọi đau khổ sang một bên để tiếp tục cuộc hôn nhân với Hùng. Tất cả đã nhầm. Vân ở lại  bởi chị muốn trả thù anh.


‘Cuộc chiến’ của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của trẻ. (Ảnh minh họa).

Sau vụ việc ngoài ý muốn, Hùng đã thôi hẳn mối quan hệ với người phụ nữ kia và chỉ còn biết đến gia đình mình. Anh vốn không hề có ý định ngoại tình, vốn dĩ cũng tại bởi người phụ nữ đó lôi kéo, tấn công quá nhiều khiến anh bị mềm lòng. Hùng thấy mình có lỗi rất nhiều nên anh tìm mọi cách để bù đắp cho những đau đớn anh đã gây ra cho vợ. Vân chỉ chấp nhận ở bề ngoài. Bên trong, lỗi đau còn nguyên.

Vân là một phụ nữ giỏi, thành đạt và xinh đẹp. Chị cho rằng mình không đáng được đối xử như vậy. Mọi chuyện chẳng thể lành như xưa bởi nỗi đau bị phản bội như một con quái vật xấu xí cứ gặm nhấm mãi, khiến chị không nguôi nghĩ về chuyện xưa. Vân không thể nào chịu đựng nổi.

Chị muốn anh cũng phải sống trong đau khổ như chị, sống trong dằn vặt. Nỗi đau phải được trả bằng nỗi đau. Có như vậy, chị mới thấy thoải mái. Chị không chấp nhận chuyện chồng mình sau khi gây ra tội lỗi lại chỉ bằng một câu xin lỗi là đâu lại vào đấy. Và để hành chồng, Vân tìm sự trợ giúp từ con gái năm tuổi.

Vân tìm mọi cách để gieo vào đầu con gái bé bỏng đủ những điều tệ hại về bố. Con gái năm tuổi chưa hiểu được thế nào là ngoại tình, chưa hiểu thế nào là bố nó có một người đàn bà khác nhưng nó thấy rằng mẹ nó đau khổ. Chưa bao giờ con gái thấy mẹ khóc nhiều như thế. Đó là điều con gái thấy rõ nhất. Chưa kể đến việc, mẹ còn nói rằng bố không hề yêu thương con.

Bằng nhiều cách, Vân khiến chồng thường phải ra khỏi nhà nhiều. Rồi bí mật, Vân đã xin chuyển công tác của chồng vào Nam trong vòng 2 năm. Sự xa cách về địa lý là một điều kiện lý tưởng để Vân khiến con gái “quên” đi bố của chính con. Rất ít khi chị để cho con nghe điện thoại của bố gọi về. Những món quà mà Hùng gửi về cho con gái cũng bị Vân giấu biệt. Vân nói với con là bố đã quên con, bởi bố có một vợ khác và có một con yêu khác.

Có đến cả tháng trời, hai bố con không nói chuyện với nhau. Bị rơi vào trò chơi của mẹ, cô gái bé nhỏ gần như quên hẳn bố. Bố trở thành một ý niệm mơ hồ trong tâm thức trẻ.

Vì công tác xa nhà, nửa năm Hùng mới được về nhà thăm vợ con khoảng 1 tuần. Vân vẫn tỏ thái độ mừng vui như bình thường nhưng con bé thì ngơ ngác. Thậm chí, lúc vừa gặp nó còn không nhận ra bố. Rồi sau đó dù có nhận ra rồi, nó vẫn không tỏ thái độ gì. Rất nhiều quà cáp không đủ để xóa đi khoảng cách vô hình giữa bố và con gái. Con bé vẫn nghĩ rằng bố đã có một đứa con khác, bố không cần con nữa.

Điều đó giải thích vì sao bố đi rất lâu cũng không gọi điện thoại cho nó, không có quà cho nó, cả sinh nhật của nó, bố cũng không nhớ. Trẻ con rất công bằng. Chúng sẽ yêu thương những người yêu thương chúng và không dành tình cảm cho những người không gắn bó với chúng.


Có đôi khi, vì những trục trặc, những hiềm khích giữa người lớn mà các bậc cha mẹ tìm đủ mọi cách lôi kéo con về phe mình. (Ảnh minh họa).

Hùng đã tìm mọi cách để giải thích và gần gũi con nhưng đều bị từ chối. Anh cũng nói với Vân rằng muốn cuộc sống gia đình trở về như xưa, mong vợ không làm những điều ấy nữa nhưng chị bỏ ngoài tai. Với chị, vì anh đã có lỗi với gia đình nên những việc như ngày hôm nay anh nhất định phải chịu để thấm thía nỗi đau của chị.

Vân không biết rằng, chính chị cũng đang phải chịu một nỗi đau khác do chính chị gây ra. Gia đình chị hoàn toàn có thể trở về êm ấm như xưa nếu chị cho chồng và tự cho mình một cơ hội. Còn giờ đây, ngay cả con gái bé bỏng cũng đã mất đi gia đình của nó. Tình yêu thương đã biến mất vì nó không thể tồn tại song song với lòng thù hận.

Dùng đích tôn đấu với nhà chồng

Nói về chuyện làm dâu của mình, Quỳnh chỉ có thể thốt lên bằng lời rằng nó không khác gì địa ngục. Bao nhiêu năm về nhà chồng là bấy nhiêu năm chị sống khổ sở với đủ trò hành hạ của nhà nội. Ngay khi lấy Long, chị đã vấp phải sự phản đối của cả nhà chồng vì sự không môn đăng hộ đối. Long là công tử đất Cảng, nhà anh nổi tiếng là giàu có và có quyền uy ở xứ này.

Trong khi đó, Quỳnh xuất thân từ miền quê nghèo, quen với cảnh chân tay lấm lem bùn đất. Lên thành phố học và gặp Long, chẳng ai ngờ hai con người hoàn toàn khác nhau ấy lại có thể yêu nhau. Họ càng không ngờ hơn chính Long là người đòi cưới Quỳnh. Người ta nói, Quỳnh bỏ bùa Long, rằng Quỳnh không yêu thương gì Long. Chị chỉ nhằm vào khối tài sản khổng lồ của nhà anh.

Chịu nhiều áp lực, Quỳnh muốn bỏ cuộc sống nhưng Long không đồng ý. Anh dọn ra ngoài ở và cưới Quỳnh. Cả nhà Long, chỉ có mình anh là con trai, sau này sẽ gánh vác việc của cả họ nên thấy anh quyết tâm như thế, gia đình cũng phải nhún nhường để hai người trẻ lấy nhau.

Nhưng sau khi kết hôn, Quỳnh bị đẩy vào một cuộc sống khá khổ sở. Vì không được yêu thương nên Quỳnh bị nhà chồng thay nhau hành hạ. Tất cả người làm bị cho nghỉ việc và toàn bộ việc nhà được đặt vào tay Quỳnh.

Căn biệt thự rộng thênh thang ngày nào cũng được yêu cầu là phải lau dọn, quét chùi hai lần. Cơm nước, chợ búa cũng Quỳnh lo. Quần áo được chuyển sang giặt tay, không được dùng máy móc. Ngày nào cũng như ngày nào, phải đến 11 giờ đêm, mọi công việc mới kết thúc. Ấy cũng là khi Quỳnh đã mệt rũ người và đặt lưng xuống là ngủ luôn. Long đi làm cả ngày, về nhà cũng không đỡ đần gì được cho vợ.

Mọi việc càng tồi tệ hơn khi ba năm cưới nhau, Quỳnh vẫn chưa có tin vui. Hai vợ chồng đưa nhau đi khám bệnh. Bệnh là của Long nhưng khi về thưa chuyện với bố mẹ, Long lại nói là tại Quỳnh để giữ thể diện đàn ông. Nhà chồng càng vin vào đó để làm cớ để hành Quỳnh và bắt Long phải bỏ vợ. Mặc dù ấm ức nhưng vì thương chồng nên Quỳnh không hé răng nửa lời nói về chuyện vô sinh mà chỉ âm thầm tìm chỗ chạy chữa cho chồng. Nhà nội thì cứ dăm bữa nửa tháng lại đưa về nhà một cô nào đấy để làm mối cho “cậu Long”.

Long biết là lỗi từ phía mình, anh đã khiến vợ phải chịu nhiều thiệt thòi nên tìm mọi cách để an ủi vợ, làm dịu lòng Quỳnh. Anh cứ luôn miệng động viên rằng sẽ chẳng mấy nữa, những cố gắng chạy chữa của anh chị sẽ có kết quả và những ngày tháng này sẽ chấm dứt.


Từ thân phận nàng dâu bị đàn áp, đè nén, Quỳnh trở thành người có quyền lực nhất trong nhà. (Ảnh minh họa).

Trời không phụ lòng người, hơn một năm sau, cuối cùng chị cũng có thai. Và may mắn hơn nữa khi chị sinh con trai. Con chị là đích tôn của cả dòng họ. Và con trở thành thứ để chị trả thù nhà nội. Giờ thì không một ai dám ý kiến hoặc tỏ thái độ với Quỳnh bởi vì chỉ cần như vậy thôi, ngay lập tức, cô dâu lâu năm chịu khổ này sẽ ngay lập tức bế con về nhà mẹ đẻ. Quỳnh hành hạ cả chồng vì anh đã để chị phải chịu ấm ức với cái tội không biết đẻ hơn một năm trời.

Từ thân phận nàng dâu bị đàn áp, đè nén, Quỳnh trở thành người có quyền lực nhất trong nhà. Chị có quyền làm bất cứ điều gì chị thích dù nó có vô lý đến mức thế nào. Có lần, nửa đêm chị bật dậy kêu đói rồi đòi ăn gà tần. Mà gà tần phải do đích thân bố mẹ chồng đi mua. Sợ con dâu không có sữa, ảnh hưởng tới cháu đích tôn nên ông bà già lại đi lọ mọ tìm gà tần cho con. Mỗi lần như thế, Quỳnh hả dạ lắm. Những ấm ức ngày nào chị phải chịu cũng giải tỏa phần nào.

Con trai lớn lên trong sự tiêm nhiễm của mẹ rằng con là người có quyền to nhất trong cả họ. Một lời nói của con không khác gì lệnh nhà vua ban xuống, chỉ cần con thích thì nhất định phải có, phải được chiều.

Hai mẹ con Quỳnh làm mưa làm gió trong nhà nội. Chuyện Quỳnh muộn có con nguyên nhân là cũng do Long được cô mang ra nói với mẹ chồng với lời “đe” sẽ mang chuyện đó rêu rao khắp nơi để cả mẹ chồng lẫn con trai bà không thể “giương oai” với đời được nữa. Long không được vợ cho phép can dự vào việc dạy con bởi: “Tôi sẽ không để con trai tôi trở thành một kẻ nhu nhược như anh, đến vợ anh còn không bảo vệ được nữa là”.

Con trai Quỳnh năm nay hơn 5 tuổi, quen với việc được chiều chuộng nên thằng bé rất ngỗ nghịch và khó bảo. Nó chẳng sợ ai trong nhà bởi nó biết ở trong nhà, ai cũng sợ nó. Vậy là một cách vô tình, để trả thù cho những ấm ức mà mình phải chịu, Quỳnh đã làm hư con trai của mình và có lẽ, tương lai của con sẽ chẳng được đẹp đẽ như chị đã tính toán. Bởi người con chẳng bao giờ lớn lên đẹp đẽ khi thiếu đi sự dạy dỗ của người cha và được quá nhiều sự nuông chiều từ phía mẹ.

 

(Theo Đang yêu)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.