Công nghệ truyền thông hiện đại cho phép nhiều bà mẹ trẻ có một “ngôi nhà” trên mạng. Ở đó họ viết, gửi hình ảnh, và những đoạn phim về con cái của mình. Những hành động ngộ nghĩnh của trẻ con thì lúc nào chẳng đáng yêu. Tuy nhiên, khi khoe con trên mạng như thế, nhiều người không hề biết có những hiểm hoạ ẩn chứa đằng sau.
Càng độc càng hay?
Xem hàng trăm đoạn phim trên YouTube: bé tập nhảy giống Michael Jackson, bé đang ngồi bô, bé tập chăm em… đoạn phim nào cũng kèm sau hàng chục comment khen ngợi, khâm phục. Khi những clip cứ dần na ná nhau, một số bà mẹ cố gắng sáng chế “hàng độc” cho con mình. Một trường hợp người viết đã từng chứng kiến tại bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM: cháu Lê Minh Th., đôi mắt sưng húp với cánh tay trái bị băng trắng, được mẹ ôm từ phòng khám ra đường đợi taxi. Hỏi chị có phải do bé chạy nhảy, nghịch ngợm nên bị gãy tay không, chị kể: “Ba nó mới mua cái điện thoại quay phim được. Thằng bé ở nhà hay chơi trò nhào lộn. Chiều nào đi làm về, cơm nước xong là ổng biểu con nhào lộn mấy vòng cho ổng xem. Rồi ổng quay phim gửi lên mạng, được nhiều người khen ngợi. Thế là chơi ngông, ổng biểu thằng bé nhào liên tục năm, bảy vòng, thằng nhỏ đuối, ngã gãy luôn xương tay trái!”
Nổi cộm gần đây là đoạn phim “chửi chồng” của một cô bé bốn tuổi. Không biết người mẹ của em bé này nghĩ gì khi cho con mang giày cao gót, xách túi người lớn, cầm điện thoại rồi cứ thế chửi rủa ông chồng với lời lẽ của người lớn. Những ngôn từ không đẹp kia là nguy cơ làm gãy nhân cách của bé về sau.
Hiểm hoạ từ những “còm – men”
Tuy là một thế giới ảo, nhưng cộng đồng mạng không hề là một thế giới an toàn cho trẻ thơ. Chị Ngọc Loan, 35 tuổi, Bình Thạnh, TP.HCM chia sẻ: “Chuyện cũng xảy ra cách đây vài tháng, nhưng giờ nghĩ lại tôi hối hận chi đâu. Thấy vài clip trẻ thơ trên mạng dễ thương quá, tôi liền bắt chước, lấy bút vẽ vào phần đáng yêu nhất của thằng con trai ba tuổi thành một chú voi thiệt ngộ nghĩnh. Sẵn điện thoại, tôi quay lại “chú voi” của con mình, rồi gửi cho mấy người bà con, bạn bè thân thiết ở xa. Không ngờ sau đó, một người bạn của tôi gửi đoạn phim này lên mạng, rồi hàng loạt comment khen có, chê có, trong đó có những lời khiến tôi hốt hoảng, kiểu: “giống này tốt, sau này tha hồ vòi gái nhá”… Tôi lập tức gọi cho người bạn đó tháo gỡ phim xuống gấp. Con trai tôi vẫn chưa ý thức được gì, nhưng tôi suýt gây ra tai hoạ cho con mình”.
Câu chuyện sau thì lấy từ một trung tâm trị liệu trẻ em: bố mẹ cho con mặc đồ công chúa, múa may ẻo lả, rồi quay phim, “tương” lên mạng. Sau một thời gian quen với những lời khen ngợi, hoan hô từ người thân, thằng bé chuyển qua xu hướng thích mặc đồ con gái luôn! Vì không thể khuyên con mình trở về trạng thái cũ, phụ huynh đứa bé bốn tuổi này đành mang con đến nhờ chuyên gia tâm lý giúp đỡ.
Nguyên Cao
HÃY TÔN TRỌNG SỰ TRONG SÁNG CỦA CON Chuyên viên tâm lý Trần Văn Dương, giám đốc trung tâm Tư vấn giáo dục và trị liệu trẻ em Bố mẹ nào cũng muốn lưu lại hình ảnh trẻ thơ đẹp nhất của con cái. Chia sẻ với người thân, bạn bè về những hình ảnh đáng yêu của con cũng là điều đáng quý, dễ hiểu. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người nhận thức chưa sâu đến việc đưa hình ảnh con lên mạng. Những đoạn phim này có thể không nguy hại gì đến đứa trẻ ngay thời điểm hiện tại, tuy nhiên, về sau khi trẻ lớn lên, đã nhận thức vấn đề, nếu vô tình xem lại những hình ảnh ngày thơ, ví như đoạn phim “trẻ bốn tuổi chửi chồng”, trẻ sẽ hổ thẹn rồi trách bố mẹ sao lại dạy con những lời lẽ đó. Đấy là chưa kể đến những trẻ bị ngôn từ xấu tiêm nhiễm trở thành người xấu, có hành vi thiếu đạo đức. Lúc đó biết đổ lỗi cho ai? Tôi nghĩ rằng, những gì của trẻ, ví như sự ngây thơ, trong sáng vốn có thì bố mẹ nên giữ cho con, tôn trọng nhân cách đó của con. Đừng vì quá muốn con trở thành đứa trẻ nổi tiếng mà bố mẹ vô tình đánh mất tuổi thơ của con mình. CHỈ NÊN DỪNG LẠI Ở NHỮNG GÌ ĐÁNG YÊU NHẤT Nguyễn Thanh Mai, 36 tuổi, TP.HCM Tôi không bác bỏ chuyện đưa hình ảnh con lên mạng. Tuy nhiên, bố mẹ phải nhận thức rõ điều này: cộng đồng trên mạng bao la, đầy rẫy những mặt tốt, xấu. Chúng ta chỉ nên đưa hình ảnh đáng yêu nhất của con, và chia sẻ điều đó với người mình tin cậy. Thông qua hình ảnh đứa trẻ, người ta có thể nghĩ cách dạy dỗ của bạn là đúng hay sai. Dù sao đây cũng chỉ là một sự chia sẻ tình cảm, chứ không phải đưa con lên mạng để chứng tỏ con mình hơn người. Cũng đừng vì sự hiếu kỳ của nhiều người mà bố mẹ ép con mình phải thế này, thế kia, ví như chuyện cho bé trai mặc đồ, múa may như con gái. Đừng để con mình phải chịu đựng những hình ảnh phản cảm như vậy. CON CŨNG MUỐN ĐƯỢC LÊN MẠNG, NHƯNG… Lê Hà Phi Thanh, 10 tuổi, TP.HCM Ở nhà, mỗi lần mẹ tắm cho mấy anh em con, bố thường lấy điện thoại ra quay lại. Mẹ bảo sẽ đưa lên mạng cho các dì bạn mẹ xem, nhưng bố không cho. Bạn Hoạ Mi con của bác Nam, bạn bố, hát tiếng Anh rất hay, bác Nam gửi lên mạng được nhiều người khen lắm. Bạn Hoạ Mi đi đâu ai cũng biết bạn ấy giỏi. Con cũng muốn được lên mạng để giỏi như bạn, nhưng bố bảo khi nào con làm toán giỏi, hát thiệt hay, chơi cờ vua thắng thì bố mới quay phim gửi lên! |
(theo sgtt)