Núi Thần Đinh mang nhiều huyền tích về một cõi tâm linh, từng được người xưa coi là “chốn đa Phật”.
Vài năm trở lại đây, khi tỉnh Quảng Bình mở đường lên núi thì Thần Đinh trở thành điểm du lịch được nhiều du khách tìm đến.
Đường lên Thần Đinh ngoằn ngoèo vắt qua sườn núi, hai bên cây cối um tùm. Càng leo lên cao không khí càng mát mẻ bởi những làn gió biển. Đứng trên núi nhìn về phía đông là một vùng đồng bằng rộng lớn của huyện Quảng Ninh, có dòng sông Đại Giang (nguồn sông Nhật Lệ) chảy uốn lượn rất hữu tình dưới cầu Long Đại – một tọa độ lửa thời chiến tranh chống Mỹ – rồi hòa vào sông Nhật Lệ tuôn ra biển Nhật Lệ.
Đoạn này đường Hồ Chí Minh như một dải lụa vắt ngang dòng sông làm cả vùng đất biến thành một bức tranh thủy mặc đầy sức sống. Các dòng sông Rào Trù, Rào Đá ở quanh Thần Đinh cũng uốn mình lúc ẩn, lúc hiện dưới chân núi sau những rặng cây xanh. Từ đỉnh cao nhất của núi nhìn về biển còn thấy thành phố Đồng Hới và biển xa xa nơi hút tầm mắt.
Trên đỉnh Thần Đinh có một khu đất bằng phẳng, rộng khoảng 400m2, là nơi người xưa chọn xây cất khu chùa gọi là chùa Non. Nơi có nhiều truyền thuyết về chốn “Đầu Mâu đa tiên, Thần Đinh đa phật” (núi Đầu Mâu nhiều tiên, núi Thần Đinh nhiều Phật).
Xưa núi Thần Đinh còn có tên gọi là Bất Nghĩa sơn… Sách Ô Châu Cận Lục viết: “Tục truyền khi vua Lê chinh phạt Chiêm Thành đã sai lực sĩ quật đánh núi này, gọi cả các núi đều hướng về tây, riêng núi này quay lưng lại”.
Về chùa Non trên Thần Đinh, theo gia phả họ Trần ở phường Đức Ninh Đông (TP Đồng Hới ngày nay) ghi là xây dựng vào năm Chính Hoà thứ 21 (1701) đời vua Lê Huy Tông, sau đó bị hư hỏng do loạn lạc. Theo sách cũ, đến năm Minh Mạng thứ 6 (1825) trụ trì là Trần Gia Hội dựng tạm lại chùa (lợp) tranh, năm thứ 10 (1829) người địa phương là Lê Văn Trúc quyên triều tu bổ và lợp bằng ngói.
Ở núi này có truyền thuyết về sự tích sinh ra vua… Càn Long bên Trung Quốc. Chuyện rằng: có một pháp sư nào đó tu ở chùa Non, trước khi viên tịch thầy cắt một đốt ngón tay út, ghi chữ “Đinh” rồi đặt vào đáy lư hương ở chùa. Phần còn lại của ngón tay ở bàn tay lại ghi chữ “Thần” rồi đọc cho đệ tử chép hai câu thơ: “Tiên kiếp tử Thần Đinh/ Hậu kiếp sinh Càn Long vương” (Kiếp trước chết ở Thần Đinh/ Kiếp sau sinh ra vua Càn Long). Lạ thay đốt ngón tay tươi mãi không hề bị thối rữa.
Khoảng 20-25 năm sau, vua nhà Thanh bên Trung Quốc sinh ra một người có ngón tay út cụt mất một đốt, về sau người này chính là… vua Càn Long (1736-1796).
Truyền thuyết còn kể rằng vua Càn Long linh cảm tiền kiếp của mình có duyên nợ với chùa Non trên núi Thần Đinh bên Đại Việt, nên đã đúc một quả chuông đồng gửi sang tặng. Thuyền chở chuông vào đến cửa sông Nhật Lệ thì không may bị bão tố nhấn chìm. Sau này một ngư dân quê ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) tên là Đặng Văn Tiên, trong một lần thả lưới đã bắt được quả chuông, nhìn chuông thấy có đề chữ “Thần Đinh Tự chung” và “Càn Long phụng cúng” (Chuông chùa Thần Đinh, Càn Long phụng cúng) nên đem lên chùa Non treo.
Chuyện này sách Đại Nam Nhất Thống Chí có viết: “Có một người địa phương đỗ thuyền ở trấn Nhật Lệ khi nhổ neo bắt được quả chuông bằng đồng đem cúng vào chùa (ở núi Thần Đinh)”.
Nay ở chùa Phổ Minh bây giờ tại phường Đức Ninh Đông, TP Đồng Hới có treo một cái chuông đồng cổ, có người cho rằng là chuông được vua Minh Mạng đúc tặng, phỏng theo chiếc chuông của… vua Càn Long.
Theo con đường xây bằng đá, chúng tôi leo lên núi Thần Đinh. Qua bao năm tháng nắng mưa, trên núi vẫn còn lại nhiều di tích của ngôi chùa Non. Chùa xưa có tám gian, bây giờ chỉ còn lại những bức tường đá, những ô cửa và bệ thờ đầy rêu phong. Trên khoảng đất bằng phẳng đó, hiện vẫn còn nguyên vẹn mấy cái miếu nhỏ, ẩn hiện dưới tán cây râm mát, bên những gốc cây cổ thụ. Ngày có nhiều du khách lên núi, khung cảnh miếu, chùa hoang tàn ẩn hiện trong khói hương bay la đà trông thật huyền ảo.
Từ bãi bằng này đi tiếp vào vài chục mét, xuống 100 bậc đá theo triền núi ta bắt gặp giếng Tiên. Nước từ trong các khe núi đá chảy ra đọng lại ở một hốc đá nhỏ và thành giếng Tiên. Giếng có tự ngàn xưa rồi mà nay vẫn đầy ắp nước trong vắt, ngọt mát. Thời điểm chúng tôi có mặt tại núi Thần Đinh là lúc nắng nóng, nhưng ở giếng Tiên nước vẫn đầy ắp. Nhiều du khách lấy nước mang về dùng để cầu phúc, cầu tài, cầu an lành.
Bên cạnh đường xuống giếng có một số hang động nhỏ, trong đó nổi bật là động Chuông, động Trống. Khi có ai gõ vào đá hoặc những cơn gió mạnh đi qua là vang lên âm thanh như trống đánh, chuông gõ.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí từng mô tả: “Sườn núi có động sâu thẳm rộng rãi, cửa động hẹp phải nghiêng mình mà vào một hồi mới rộng. Trong động có hai tầng, đá xếp hệt như bàn ghế, có viên đá giống tượng phật, lại có thạch nhũ trùng điệp rũ xuống. Trước động về phía tả lại có một động, thạch nhũ trong động chỗ ẩn chỗ hiện, có chỗ như cái tàn vàng, có chỗ như hình voi…”. Xung quanh động là các dãy đá vôi lởm chởm xếp chồng nhau trông rất ngoạn mục.
Dưới chân núi Thần Đinh nay, bà con tăng ni phật tử ở tỉnh Quảng Bình và trong cả nước cũng như tỉnh đang xây dựng một ngôi chùa mới và tạo thành khu du lịch tâm linh hấp dẫn sau này.
(Theo 24h)