Có một điểm chung cho hầu hết các khu nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới này: khởi điểm chúng đều là những nơi không ai thèm để mắt tới hoặc những khu vực hoang phế, nhưng rồi các nghệ sĩ đã tới và nghệ thuật đã biến chúng thành những không gian hấp dẫn và ngày càng trở nên đắt giá.
Zona Tortona (Milan, Ý)
Mọi sự bắt đầu từ năm 1983, khi Giám đốc nghệ thuật tạp chí thời trang danh tiếng Vogue và nhiếp ảnh gia Fabrizio Ferri quyết định mở studio ở Tortona, một vùng “nhà quê” hẻo lánh của Milan. Khi đó, nhiều người gọi hành động này là điên rồ. Nhưng chính những kẻ “điên rồ” đã mở ra tương lai của ngành thời trang châu Âu khi sau đó, hàng loạt “fashion factory” được xây dựng tại các vùng ngoại thành Paris, Rome, Florence hay Milan, kéo theo xu hướng các Outlet hàng hiệu (nơi bán hàng giảm giá) cũng được đặt cách xa thành phố. Zona Tortona trở thành thỏi nam châm hút về nó đông đảo các nhà thiết kế, các nhiếp ảnh gia tài năng từ khắp nơi trên đất Ý và thế giới. Các bảo tàng, các studio, gallery, shop và nhà hàng mọc lên như nấm. Năm 2001, đại bản doanh của Giorgio Armani được xây dựng tại đây dưới bàn tay thiết kế của kiến trúc sư người Nhật Tadao Ando, là một tác phẩm kiến trúc hiện đại ấn tượng. Ngày nay Tortona là nơi để chiêm ngưỡng những sáng tạo tiên phong, đỉnh cao của nghệ thuật thiết kế.
Một tác phẩm tại Zona Tortona (Milan, Ý)
M50 (Thượng Hải, Trung Quốc)
M50 là tên viết tắt của 50- số nhà, và M- tên đường Moganshan Road, thành phố Thượng Hải. Chốn này vốn dĩ là khu nhà máy dệt được xây dựng từ cuối những năm 1940 và ngừng hoạt động từ cuối thập niên 1990. Năm 2000, một nghệ sĩ đương đại địa phương đã thuê một phòng ở đây làm studio với giá rẻ. Từ gợi ý này, hàng trăm nghệ sĩ ở Thượng Hải và sau đó từ nhiều vùng ở Trung Quốc cũng như các nghệ sĩ quốc tế đã đến đây mở xưởng làm việc, phòng tranh, công ty sản xuất phim, công ty thiết kế… M50 hiện được xem là “nơi có thể tìm thấy những nghệ sĩ và những tác phẩm nghệ thuật đương đại tốt nhất của Thượng Hải”.
M50 (Thượng Hải, Trung Quốc)
Làng nghệ sĩ Heyri (Hàn Quốc)
Đó là ngôi làng nhỏ nằm cách thủ đô Seoul khoảng 1 giờ đồng hồ lái xe. Từng là khu vực hẻo lánh nhưng giờ đây Heyri là ngôi làng tuyệt đẹp và yên bình của giới nghệ sĩ. Năm 2001, sau 2 thập niên vận động, chuẩn bị, ý tưởng lập một ngôi làng sinh thái của ông chủ ngành xuất bản Kim Eun-ho đã thành hiện thực. Ngày nay, ngôi làng có cư dân là hơn 500 họa sĩ, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà văn và điêu khắc gia. Những công viên nhỏ, những con đường đi bộ quanh co, dòng suối nhỏ và những cánh đồng ẩm ướt… tạo nên một không gian đặc biệt. Trong làng có nhiều gallery, bảo tàng và quán cà phê. Dự kiến đến năm 2015 tại đây sẽ xây dựng 400 ngôi nhà, bao gồm 1 trường nghệ thuật lớn và 50 nhà nghỉ cho khách du lịch. Và khách tới đây sẽ có cơ hội tham quan Bảo tàng Nhạc phim dân gian Thế giới (International Folk Film Museum).
Làng nghệ sĩ Heyri (Hàn Quốc)
Torpedo Factory (Virginia, Mỹ)
Tên đầy đủ của trung tâm này là The Torpedo Factory Art Center, nằm ở thành phố cổ Alexandria thuộc vùng Virginia, vốn là một “nhà máy sản xuất ngư lôi” của hải quân Mỹ trong suốt thời kỳ chiến tranh, trước khi bị biến thành nhà kho. Năm 1974, Marian Van Landingham, khi ấy là chủ tịch hội nghệ thuật kiêm giám đốc dự án và chương trình của Virginia, đã thành lập trung tâm nghệ thuật và Hiệp hội Nghệ sĩ Torpedo Factory tại đây. Tháng 9/1974 trung tâm chính thức mở cửa cho công chúng. Hiện nay Torpedo Factory Art Center thường xuyên có hơn 160 nghệ sĩ chuyên nghiệp tới làm việc, trưng bày và bán tác phẩm. Cùng với hơn 1.000 gallery và khoảng 2.000 sinh viên nghệ thuật, Torpedo Factory Art Center còn trở thành địa chỉ trao đổi nghệ sĩ khắp nơi trên thế giới.
Torpedo Factory (Virginia, Mỹ)
Clerkenwell (London, Anh quốc)
Nằm ngay trung tâm thủ đô London, đây là khu vực tập trung những địa danh lịch sử và văn hóa lâu đời của Anh quốc. Nơi tập trung các bảo tàng và gallery nghệ thuật nổi tiếng như Barbican Art Gallery, Museum of London. Đây cũng là trung tâm giải trí hàng đầu của London với quận sân khấu West End…
Clerkenwell (London, Anh quốc)
Faret Tac hikawa (Tokyo, Nhật Bản)
Tachikawa, một thị trấn nhỏ nằm ở ngoại ô thủ đô Tokyo. Đầu thập niên 1990, chính quyền thành phố muốn xây dựng một không gian sống nghệ thuật, gần gũi với thiên nhiên cho các công dân của mình (chữ faret theo tiếng Ý có nghĩa là “tạo ra”). Và ý tưởng kiến trúc lại thành phố được lựa chọn đi theo hướng xây dựng Tachikawa thành thành phố của nghệ thuật cộng đồng, dân cư trong khu đô thị mới được khuyến khích khám phá bản thân và môi trường xung quanh với 5 giác quan. Năm 1994, chính thức mở cửa cho công chúng. Festival Nghệ thuật quốc tế Tachikawa được tổ chức vào mùa Thu hàng năm.
Faret Tachikawa (Tokyo, Nhật Bản)
Brewery (L.A, Mỹ)
Được xem là khu dân cư nghệ thuật lớn và nổi tiếng nhất thế giới, Brewery có khoảng 15 ngàn dân đều là những nghệ sĩ hoặc những người liên quan tới nghệ thuật: nhà sưu tập, các giám tuyển nghệ thuật, những người kinh doanh trong ngành nghệ thuật, sinh viên nghệ thuật, khách du lịch… Ở đây tập trung hầu hết các nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực sáng tạo của California: thiết kế đồ họa, vẽ tranh, nhiếp ảnh, điêu khắc, kiến trúc, đạo diễn… Hiện ở đây có hơn 170 studio riêng của các nghệ sĩ và 300 phòng trưng bày.
London/South Bank
Hai bờ con sông Thames tập trung hàng loạt các bảo tàng, gallery nghệ thuật, nhà hát, thính phòng danh tiếng như Bảo tàng Tate Modern, Bảo tàng thiết kế Design Museum, thính phòng Topolski Century, Hayward, không gian nghệ thuật công cộng lớn nhất nước Anh, nơi thường xuyên trưng bày các các phẩm của những nghệ sĩ hàng đầu và các nghệ sĩ trẻ Anh quốc cũng như các nghệ sĩ quốc tế.
SoHo (N.Y, Mỹ)
Khu nghệ thuật nổi tiếng của New York với hệ thống dày đặc các gallery nghệ thuật. Tuy nhiên, từ những năm 1960, Thị trưởng thành phố New York từng có quyết định phá bỏ những ngôi nhà mang kiến trúc cast-iron đặc trưng nổi tiếng thế giới của vùng này để xây dựng đường cao tốc. May sao, dự án đó bị đình trệ. Vậy là tầng trên của những tòa nhà này, vốn dĩ có không gian rộng, cửa sổ lớn, có thể sử dụng ánh sáng tự nhiên và có giá thuê rẻ trở thành nơi “đổ bộ” của các nghệ sĩ trẻ của New York. Lúc bấy giờ chính quyền không cho phép cư trú tại khu vực này nên tất cả các gallery, studio của họ đều thuộc dạng hoạt động “ngoài luồng”. Đến năm 1971 chính quyền thành phố dỡ bỏ lệnh cấm, đồng thời cấp phép cho các nghệ sĩ sống và làm việc tại đây. Nghệ thuật đã kéo theo các ngành hàng kinh doanh khác tới đây để phục vụ khách du lịch. Giờ này, ngoài là một trung tâm nghệ thuật của N.Y, SoHo còn nổi tiếng là một trung tâm mua sắm lớn với các cửa hàng thời trang danh tiếng.
Hà Thanh (tổng hợp)
(Theo TT&VH)