Bị đuổi “thẳng cổ”
M.Q., lớp trưởng lớp CNTT K53, ĐH Mỏ Địa chất đến giờ vẫn còn tỏ ra khá ngượng nghịu khi nhắc lại chuyện “đi thầy” bất thành dịp 20/11 cách đây 2 năm.
Khi đó, sắp vào dịp thi cuối kỳ, lớp Q. nghe ngóng được thông tin từ khóa trên rằng thầy D. dạy môn triết nổi tiếng chấm điểm “đắt”, khiến sinh viên “trượt như ngã rạ”. Dù thống nhất phải ra sức học môn này nhưng nỗi lo “thi trượt” vẫn ám ảnh mọi thành viên trong lớp. Trong khi đó, dịp lễ 20/11 lại sát sàn sạt với kỳ thi. Cả lớp Công nghệ thông tin K5x liền họp nhau lại và cuối cùng quyết định “tặng thầy một giỏ hoa quả kèm một phong bì, vừa là quà 20/11 vừa là để mong thầy rút ngắn bớt đề cương cho dễ học”. Tuy nhiên, kế hoạch thất bại bởi vừa nhìn thấy giỏ hoa quả và chiếc phong bì trên tay Q. thầy D. chốt ngay một câu dứt khoát: “Mời các anh về”!
Không đến nỗi bị đuổi thẳng như Q., nhiều sinh viên kể lại rằng họ được thầy cô mời vào nhà tiếp chuyện đàng hoàng. P.D., sinh viên năm 4, ĐH Thủy Lợi, “đi thầy” với kỳ vọng được thầy hướng dẫn làm đồ án nhiệt tình hơn; Mai Thắng, SV năm 4, ĐH kinh tế kỹ thuật Hà Nội, bạn H. Phương, sinh viên ĐH Thương Mại hay bạn N. Nhàn, cựu SV Học viện Tài Chính đều thừa nhận từng rơi vào tình huống phải “ngậm ngùi cầm phong bì về” vì thầy cô tuyên bố “chỉ nhận hoa, không nhận phong bì”; hay “chỉ nhận tình cảm của các em chứ không bán chữ”.
Đồng thời, các thầy cô này cũng nhẹ nhàng khuyên các bạn lần sau không nên làm như thế này, không chỉ thương mại hóa “tình cảm thầy trò” mà còn “mang tiếng cả thầy lẫn trò”.
Những giáo viên khổ vì… phong bì
Chia sẻ về chuyện quà cáp, phong bì ngày 20/11, cô G., giảng viên Học viện Báo chí – Tuyên truyền cho biết, cô từng nhiều lần rơi vào tình huống khó xử này. Cô G. kể, SV thường khéo léo kẹp phong bì vào bên trong món quà tặng kèm như cuốn sổ hay bó hoa. Chỉ khi về nhà, bóc quà ra cô mới phát hiện được khiến cô phải nghĩ cách trả lại phong bì theo cách cách tế nhị nhất sao cho các bạn ấy không cảm thấy ngại. Chẳng hạn, nếu phong bì là của tập thể lớp thì cô sẽ “xung công” bằng việc ủng hộ quỹ lớp đồng thời gặp riêng cán bộ lớp để nhắc nhở, tránh tình trạng này lặp lại nhiều lần khiến cả thầy và trò đều khó xử.
N.A, giảng viên khoa kinh tế, ĐH Mỏ Địa chất lại kể một câu chuyện “lỡ cỡ” liên quan đến chuyện quà cáp, phong bì ngày 20/11 mà cô vừa gặp phải hồi năm ngoái. Lần ấy, dịp lễ 20/11 gần kề ngày thi, một anh học trò năm cuối người Tuyên Quang tên K. tìm đến gặp cô, mang theo giỏ hoa quả và một phong bì khá dày. K. trình bày lý do rằng hôm thi môn cô dạy trùng với ngày anh tổ chức hôn lễ. K. rơi vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan” khi việc cưới xin không thể hoãn lại nhưng nếu bỏ thi K. sẽ không thể tốt nghiệp cùng cả lớp. Và bây giờ chỉ có cô mới “cứu” được anh.
Trường hợp của K. khiến cô N.A khó xử bởi cô không thể “miễn thi” cho K. rồi cho anh một con điểm trời ơi vào sổ (như gợi ý của anh) song cũng rất thông cảm với tình cảnh của anh. Cuối cùng, cô N.A đành đặc cách cho K. thi riêng, sau cả lớp một ngày để anh này yên tâm hoàn tất đám cưới còn chiếc phong bì, cô kiên quyết trả lại. Sau chuyện lần ấy, tình cảm cô trò giữa K. và cô N.A ngày càng thân thiết hơn, thậm chí, K. nhiều lần đưa cả vợ đến thăm cô giáo trong những dịp lễ tết và tất nhiên là không bao giờ còn thấy bóng dáng của chiếc phong bì nào nữa.
Tuy nhiên, cũng có một số giảng viên, để tránh rơi vào tình cảnh khó xử như trên đã nghĩ ra một giải pháp là dặn dò trực tiếp tất cả các lớp, các sinh viên không tặng quà cáp đắt tiền hay đi phong bì vào dịp 20/11. Thầy Nguyễn Văn Đức, giảng viên cao đẳng công nghệ Bắc Hà chia sẻ: “Trước 20/11 khoảng một tuần tôi thường trao đổi thẳng thắn với sinh viên ở trên lớp rằng tôi không thích và hi vọng các bạn không lợi dụng 20/11 để “thương mại hóa” tình cảm thầy trò và phục vụ cho các động cơ không trong sáng như xin điểm hay mong tôi tạo điều kiện. Nếu ai đã được nhắc nhở trước mà vẫn vi phạm tôi sẽ cho nghỉ thi luôn”.
(theo 24h)