Ho do viêm phế quản là chứng thường gặp, nhất là trong mùa thu – đông. Theo y học cổ truyền, bệnh được chia làm hai thể cấp tính và mạn tính.
Nguyên nhân do phong hàn, phong nhiệt và khí táo. Phong hàn, phong nhiệt xâm nhập vào cơ thể sinh viêm, nhiễm khuẩn khí phế quản, gây ho đờm nhiều; Khí táo là giảm tiết dịch niêm mạc đường hô hấp gây ho khan, viêm họng, ngứa họng. Chúng tôi xin giới thiệu một số loại trà thuốc có tác dụng chữa các chứng ho do viêm phế quản mạn.
Trà quất: Trà mạn 2g, vỏ quất khô 2g. Cho cả hai thứ vào nước sôi ngâm 10 phút. Ngày uống 2 lần, uống nóng sau các bữa ăn. Công dụng: trị ho có đờm nhiều do viêm phổi, giảm kích thích, giảm ho, dạ dày trướng hơi không tiêu.
Trà trứng trừ ho bổ phổi.
|
Trà trứng:
Chè xanh 15g, trứng gà 2 quả. Trứng gà rửa sạch vỏ, cho cùng chè vào nồi luộc, trứng chín, bóc vỏ cho vào luộc tiếp tới khi cạn thì vớt trứng ra. Ngày ăn 1 lần vào lúc đói. Khi dùng thuốc nên kiêng các món lạnh, tanh. Công dụng: trừ ho bình suyễn.
Trà xuyên bối hạt cải: Xuyên bối mẫu 15g, hạt cải 15g. Hai thứ tán thành bột, pha nước sôi hoặc nấu nước uống thay chè. Công dụng: Nhuận phế hoá đờm, giáng khí trừ ho bình suyễn, chữa các chứng ho do viêm phế quản mạn, đờm nhiều.
Trà mật ong: Mật ong 35g, trứng gà 1 quả. Mật ong cho thêm một ít nước đun sôi, đập trứng, lấy đũa đánh cho tan. Ngày uống 1 – 2 lần, uống nóng. Công dụng: Tuyên phế nhuận hầu, trị ho, chữa viêm phế quản mạn, mất tiếng. Dùng thường xuyên rất hiệu quả.
Trà hoa đỗ quyên: hoa đỗ quyên, lá bạch đinh hương (hấp chín phơi khô) lượng bằng nhau, pha nước sôi ngâm 10 – 15 phút là được. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 20g uống nóng. Công dụng: Trị ho hoá đờm do viêm khí quản mạn.
Lương y Thái Hòe
(Theo SK&ĐS)