Lấy chồng vài tháng, Huyền mở công ty riêng. Ai gặp Huyền cũng nức nở: “Dâu nhà giàu có khác, chưa gì đã được đổi đời”.
“Bố mẹ chồng mình giàu đến đâu mình cũng không rõ. Tiền bạc, ôtô rồi đất cát của ông bà, mình cũng chưa một lần dò hỏi qua chồng. Mình nghĩ đơn giản là làm dâu nhà giàu hay nhà nghèo thì cũng phải nỗ lực mà vươn lên, chứ đâu phải ngồi chơi để trông chờ ông bà cho tiền được” – Huyền tâm sự.
Chồng Huyền cũng là người biết tự lực, không ỷ hay cậy có bố mẹ giàu. Chính vì lẽ đó, Huyền mới cảm mến mà lấy anh làm chồng. Bây giờ, dù làm dâu trong một gia đình với ngôi nhà khang trang, đồ nội thất đắt tiền, xe hơi bóng loáng… được người ngoài nhìn vào khen ngợi nhưng Huyền vẫn phải tự mình làm hết mọi việc nhà: từ cơm nước, lau dọn tới đi chợ, đổ rác. Nhà Huyền không thuê osin cũng không có người giúp việc theo giờ. Huyền không thấy buồn vì chuyện này hoặc đòi hỏi gì ở bố mẹ chồng. Bố mẹ chồng thỉnh thoảng cũng giúp con dâu việc nhà. Trong khi đó chồng Huyền cũng rất mực hỗ trợ vợ trong mọi việc. Đó là điều khiến Huyền hạnh phúc nhất.
Cùng suy nghĩ với Huyền, Thanh (27 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng không hề buồn vì phải tự lực dù làm dâu nhà giàu. Thanh cho biết, gia đình chồng cũng thuộc diện khá giả, với nhà 3 tầng to đẹp, ôtô sang trọng đứng tên bố chồng và một vài biệt thự cho thuê đứng tên mẹ chồng.
Tuy nhiên, Thanh không “lăn tăn” gì chuyện làm dâu nhà giàu mà vẫn đi xe cũ mua từ hồi Thanh học Đại học. Hàng tháng, vợ chồng Thanh vẫn góp sinh hoạt phí đầy đủ cho mẹ chồng. Hai vợ chồng Thanh xoay sở với đồng lương (dù không cao). Lúc bí quá, Thanh đành đi vay tạm bà chị gái hoặc cô bạn thân, có lương là trả chứ cũng không dám phiền tới mẹ chồng. Việc cơm nước, nội trợ trong nhà cũng do mẹ chồng và Thanh đảm nhiệm. Chuyện ăn uống, sinh hoạt trong nhà rất hợp lý chứ không hề “cậy” có tiền mà phung phí bao giờ.
“Mình chẳng bao giờ nghĩ rằng khi lấy chồng giàu thì được cái này, được cái kia cả. Nói thật tiền thì ai mà không thích, giàu thì ai mà chẳng ham nhưng vợ chồng mình cứ phải xác định tự thân vận động cái đã. Kể cả sau này khi được bố mẹ chồng chia cho phần nào thì cũng phải biết cách sử dụng đồng tiền có ích. Khi có con cái, dù nhiều tiền đến đâu mình cũng sẽ phải dạy con mình sống tự lập” – Thanh cho biết.
Thanh bảo, bố mẹ chồng cô là tấm gương để cô học tập. Bởi vì ông bà trước đây cũng phải trải qua giai đoạn nghèo khó nên rất quý trọng tiền bạc và công sức lao động. Chính vì lẽ đó, hai anh em chồng Thanh cũng rất biết cách chi tiêu, nỗ lực học hỏi và làm việc, rất cầu tiến và không hề “tỏ vẻ” con nhà giàu. Khi về làm dâu, Thanh thấy rất thoải mái và ấm áp.