ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Xử lý thông tin lời… con trẻ
Wednesday, November 30, 2011 8:28
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Đã xảy ra rất nhiều trường hợp cha mẹ chỉ mới nghe lời con nói đã hùng hổ kéo nhau đi “trả thù” cho con, gây ra không ít chuyện đau lòng.

Xử lý thông tin lời... con trẻ - Tin180.com (Ảnh 1)

Từ câu chuyện hiệu trưởng trường THPT Thái Thuận (Bắc Giang) bị phụ huynh một học sinh vi phạm quy chế thi, hành hung đến chấn thương nghiêm trọng, đến vụ một người chú ở Kiên Giang vì bênh cháu mà đánh một học sinh lớp 7 bất tỉnh, cho thấy lời nói con trẻ và sự bức xúc thái quá của người lớn có thể dẫn sự việc đến hậu quả khôn lường….

Hậu quả của “phản ứng nhanh”

Nhiều phụ huynh có mặt trong buổi toạ đàm “Nghe sao cho trẻ chịu nói, nói sao cho trẻ chịu nghe” tổ chức tại nhà thiếu nhi quận 1, TP.HCM đã thú thật rằng: họ thật sự bất lực vì không thể hiểu nổi con mình, nhất là khi con bắt đầu bước vào cấp hai, cấp ba. Lần theo các khúc mắc của những phụ huynh này, thấy có một điểm chung: vấn đề đã phát sinh từ hồi… cấp một!

Chị Lưu Thị Bích, quận Thủ Đức, có cậu con trai năm nay học lớp 7. Mặc dù thay phiên đưa rước hàng ngày, nhưng tuyệt nhiên vợ chồng chị Bích không thể trao đổi được thông tin gì với con. Chị Bích chia sẻ: “Trước đây cháu nói rất nhiều, không hiểu sao độ hai năm nay, cháu không bao giờ nói được với mẹ quá một câu!” Tìm hiểu trực tiếp con trai chị Bích thì được biết, vào năm học lớp 5 cháu có va chạm nhỏ với một nhóm bạn trong trường, nghe loáng thoáng là nhóm bạn đó hăm doạ đánh mình, nên về nhà kể với mẹ. Sáng hôm sau chị Bích dắt con đi thẳng vào phòng hiệu trưởng, bày tỏ sự bất bình và gay gắt yêu cầu nhà trường phải nghiêm trị nhóm bạn kia. Bị các bạn chọc ghẹo là “về nhà méc mẹ”, từ đó, con trai chị Bích tránh không nói chuyện ở trường cho mẹ biết.

Con gái chị Nguyễn Lan Anh, phường 8, quận Tân Bình, năm nay mới học lớp 3. Đầu năm học cháu nhận được lá thư “bày tỏ tình cảm” từ một bạn trai cùng lớp. Biết chuyện, chị Lan Anh gọi điện thoại trao đổi với cô giáo chủ nhiệm, yêu cầu chuyển tác giả lá thư qua lớp khác! Sau đó, con gái của chị gần như bị các bạn trong lớp cô lập.

Phản ứng hợp lý: hỏi kỹ nguồn cơn

Chị Ngọc Tuyết, ở Bình Chánh, có con gái học lớp chồi một trường mẫu giáo tư thục. Hai ngày liền cháu về nhà kêu đau rát khi tiêu tiểu. Hỏi, cháu kể là trên trường, cô giáo dùng bao tay cao su để rửa cho cháu mỗi lúc đi vệ sinh. Chị Tuyết thổ lộ: “Thoạt nghe tôi rất bức xúc, nhất là thấy hậu môn con đỏ do dị ứng với cao su, nhưng tôi nghĩ cô giáo còn trẻ, chưa có con nên chưa hiểu làn da em bé rất nhạy cảm. Hôm sau tôi mua một hộp găng tay mỏng bằng nilông gửi cô và trao đổi với cô về đặc điểm của da em bé. Cô giáo vui vẻ tiếp thu và chăm sóc con tôi kỹ lưỡng hơn”.

Chị Ngô Thị Thảo Uyên, Thủ Đức, có con gái học lớp lá, một hôm con về một mực đòi mẹ mua cho hai bịch kẹo sữa! Hỏi nguyên do, mới hay vì con gái chị ở trường nói chuyện với bạn rất nhiều, nên cô giáo đùa là “Con về nói mẹ mua hai bịch kẹo sữa ăn cho… bớt nói!” Chị Thảo Uyên kể: “Tôi hơi sốc vì con nít nói nhiều là lẽ đương nhiên, cô nói vậy vô tình khiến bé không hiểu được dụng ý của cô, lại gây hoang mang mất tự tin cho bé. Hôm sau tôi tế nhị hỏi cô giáo về chuyện kẹo sữa, cô xác nhận có nói đùa như vậy! Sau khi nghe tôi giải thích, con gái bắt đầu hạn chế nói chuyện riêng với bạn trong giờ học và không đòi mua kẹo sữa bằng được nữa!”

Ngô Phương Thảo

Xử lý thông tin lời... con trẻ - Tin180.com (Ảnh 2)

NÊN TUÂN THỦ QUY TRÌNH XỬ LÝ THÔNG TIN

ThS tâm lý Võ Thị Tường Vy (giảng viên đại học Sư phạm TP.HCM)

Thông thường, những thông tin từ trẻ nhỏ được chia thành hai loại: thông tin đúng hoặc thông tin sai. Những thông tin sai thường xuất phát từ khả năng nhận biết và phán đoán còn non nớt của trẻ, do vậy, khi tiếp nhận bất cứ thông tin gì từ trẻ, để tránh xảy ra những chuyện không hay, phụ huynh nên tuân thủ quy trình xử lý thông tin như sau: Bước 1: tìm kiếm, thẩm định thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó tìm những mối quan hệ thân thiết nhất của con để kiểm tra chéo chất lượng thông tin.

Bước 2: làm chủ cảm xúc và tìm cách tiếp cận con cho hiệu quả, khi nắm được bản chất đúng của thông tin, cha mẹ cần làm chủ cảm xúc của mình. Bước 3: trao đổi với con. Trong quá trình này, ba mẹ cần khẳng định cho con hiểu: ai cũng có thể mắc sai sót, và ai cũng cần được giúp đỡ để vượt qua. Ba mẹ cần tỏ rõ thiện chí muốn giúp đỡ con, và khẳng định rằng dù trẻ có sai, thì đó cũng là một bài học quý về kinh nghiệm sống cho trẻ. Tuyệt đối tránh quy kết nặng nề khiến trẻ co cụm, thủ thế với người thân. Nếu phần đúng về phía trẻ, ba mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu thái độ đúng là vị tha, cảm thông và chia sẻ.

Xử lý thông tin lời... con trẻ - Tin180.com (Ảnh 3)

ĐỪNG COI THƯỜNG MÀ BỎ QUA LỜI CON TRẺ

Chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Hoa

Có nhiều trường hợp đáng tiếc vì cha mẹ không quan tâm lắm khi trẻ bày tỏ câu chuyện của mình. Thật ra, trẻ có tư duy và nhận định rất tốt về sự việc xung quanh chúng. Cách tốt nhất để biết trẻ nói đúng hay sai là thường xuyên trò chuyện, quan sát, kết hợp với việc tăng cường các mối quan hệ xung quanh trẻ. Chỉ cần quan tâm đúng mức, đúng cách, ba mẹ sẽ biết chuyện nào đáng tin và ngược lại. Cần nhớ một quy tắc đặc biệt: chia sẻ thực sự, đừng vì bận rộn mà qua loa cho xong chuyện, khiến trẻ mất lòng tin – mầm mống cho nhiều hệ luỵ về sau.

(theo sgtt)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.