Chị Minh, nhân viên của một công ty phân phối thực phẩm, khoe rằng sau một năm lấy chồng, chưa ngày nào phải nấu ăn. Hôm nào đi làm về sớm thì theo chồng đi chợ, đi siêu thị phụ xách hàng vì… không biết lựa cá tươi, rau mới. Đó là bởi anh Thành, chồng chị Minh, mở tiệm tại nhà, công việc thoải mái nên lo luôn việc nấu ăn.
Thích ăn, không thích nấu
Chị Minh giải thích: “Trước khi cưới, chuyện cơm nước đã có mẹ và chị lo, mình chỉ giúp lặt vặt như nhặt rau, rửa chén. Nay chồng gốc Bắc, vợ người Nam, khác khẩu vị, ông xã lại thích nấu ăn nên… để ảnh nấu cho vừa miệng. Chồng làm bếp, vợ tíu tít kế bên là nhất rồi!”. Bạn bè hỏi sao chị không học nấu vài món anh thích, thỉnh thoảng trổ tài để “nịnh” chồng, chị cười bảo: “Thôi, lười lắm!”.
Từ hôm đó, chị đi làm về là thấy chồng chơi game hoặc coi tivi, đói thì đi ăn một mình. Chị muốn đi chợ nấu một bữa cơm làm hòa nhưng không biết làm món gì. Mấy lần định hỏi nhưng thấy chồng làm lơ nên… “không thèm hỏi”!
Ra tối hậu thư
Còn Thu Quyên (quận 8-TPHCM) dù con nhà nghèo nhưng là út nên được cả nhà cưng chiều và gần như không phải làm việc nhà. Gần 30 tuổi mà khi đi đám tiệc hoặc khám bệnh, Quyên đều có người nhà đưa đón, có khi còn theo vào phòng khám. Mới đây, tin Quyên lấy chồng và ra riêng ngay khiến cả nhóm bạn nhao nhao bàn tán, không biết Quyên sẽ sắp xếp cuộc sống gia đình ra sao? Ngày họp nhóm, Quyên than: “Ảnh bảo là không thích ăn ngoài. Mình có bao giờ nấu ăn đâu. Đi làm về mệt mà phải đánh vật với chuyện nấu ăn, chắc oải lắm”.
Tuần đầu sau khi cưới, Quyên rủ chồng về nhà ba mẹ cô ăn cơm để thăm ba mẹ và học nấu ăn. Sang tuần thứ hai, anh Nam, chồng Quyên, không chịu về nhà vợ ăn và rủ vợ vào bếp. Quyên đánh vật hơn 2 giờ mới xong bữa cơm nhưng… canh mặn, cá khét nên họ đành đi ăn cơm tiệm. Sau đó, anh Nam ra tối hậu thư là Quyên phải cấp tốc học nấu ăn, sau một khóa học mà không tiến bộ, sẽ dọn về ở nhà ba mẹ của Nam. Quyên phải chạy vắt giò lên cổ học nấu ăn để khỏi phải chịu cảnh mẹ chồng – nàng dâu.
Kịp thời sửa sai
Vợ chồng chị Thảo (quận 6 – TPHCM) là bạn học thời phổ thông, yêu nhau hơn 5 năm mới cưới. Năm đầu, họ chúi đầu học lấy văn bằng 2 nên mỗi người tự lo chuyện ăn uống. Khi hoàn tất khóa học, chị tìm cớ về trễ hoặc đi với bạn bè để… khỏi vào bếp; có khi chị về nhà mẹ ruột ăn uống, trò chuyện đến khi chồng gọi điện mới về. Càng ngày, anh càng ít gọi điện thoại nhắc chị về, lại hay đi sớm về khuya và có nhiều biểu hiện lạ.
Sinh nghi, chị Thảo âm thầm theo dõi rồi phát hiện chồng quen biết trên mức tình cảm và thường ghé nhà một nữ đồng nghiệp ăn cơm. Khi sự việc vỡ lở, anh thú nhận là… thèm những bữa cơm gia đình nhưng chị luôn bận rộn. Vì còn yêu chồng, không muốn hôn nhân đổ vỡ nên chị Thảo liền sửa sai, nấu ăn thường xuyên và quan tâm chồng nhiều hơn. Chị cười bảo: “Nấu ăn cho gia đình vừa giữ gìn hạnh phúc tổ ấm vừa giúp xả stress. May mà tôi nhận ra điều đó trước khi quá muộn. Hiện chúng tôi hạnh phúc hơn cả thời mới cưới và đang háo hức chờ đón con đầu lòng”.
TS Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TPHCM: Nấu ăn cũng là kỹ năng sống Nấu ăn là một kỹ năng sống cơ bản. Khi bước vào hôn nhân, tùy theo nhận thức của bản thân, bạn trẻ có sự quan tâm khác nhau về việc nội trợ nhưng không thể đánh đồng với vấn đề bình đẳng giới rồi lơ là việc nội trợ hoặc muốn chồng cũng nội trợ như vợ. Muốn vun đắp hạnh phúc, phụ nữ phải làm tốt việc nội trợ và “giữ lửa” cho gia đình. Ngày nay, hình ảnh vợ chồng chung lo việc gia đình và cùng vào bếp đã trở nên phổ biến. Trước khi cưới, cánh mày râu nên tìm hiểu việc nấu ăn và kỹ năng gia chánh của vợ sắp cưới. Khi chung sống, nếu có những điểm chưa hài lòng, chỉ nên góp ý nhẹ nhàng. |
(Theo nld)