Thói chê vợ cho sướng miệng của không ít anh chồng khiến chị em rầu lòng.
Rất ức chế vì bị chồng làm cho “mất mặt” trước nhiều người, Thư dỗi chồng nên im lặng suốt cả ngày hôm sau.
Bình thường, chồng Thư rất tốt, chăm chỉ, hễ đi làm về là giúp vợ việc nhà nhưng phải cái, theo Thư là rất “bạc miệng”. Không ít lần, Thư phải nghe những câu như: “Đầu để mọc tóc à? Hay chỉ để chứa óc bằng hạt vừng đen” hoặc “Ngu hơn cả bò”, “Dở à, tát cho cái bây giờ”… cho dù Thư chẳng mắc lỗi gì đáng kể. Biết tính chồng chỉ “khẩu xà” nhưng “tâm phật” nhưng mỗi lần bị chồng mạt sát như thế, Thư lại thấy ức. Nhiều khi ức không chịu được, Thư bật lại vài câu: “Vâng, anh thì giỏi, anh thì tài, nhất anh” hoặc khiêu khích: “Anh thì có làm vương, làm tướng gì mà giỏi chê vợ. Nếu làm ông này, ông nọ, chắc anh khinh vợ anh như… rác”.
Cũng có khi, Thư chỉ nói nhẹ nhàng: “Anh đừng nói với em kiểu thế. Con nó nghe được nó lại bắt chước”… nhưng chỉ được một thời gian. Cứ “giả câm, giả điếc” mãi để mặc chồng “bạc miệng” thì Thư thấy lúc chịu đựng được, lúc thì không. Có khi, đang cố nhịn, không muốn nói gì Thư còn bị chồng buông câu: “Câm à?” khiến Thư càng “lộn ruột”. Còn cứ góp ý hoặc “mỉa đểu” lại chồng thì cũng không có tác dụng mấy.
Còn Hường (Cầu Giấy, Hà Nội) nhiều khi “điên” lên vì bị chồng chê già, chê ăn mặc xấu xí, lôi thôi. Thuộc dạng chuộng thời trang và thẩm mỹ cũng không đến nỗi tệ, thậm chí Hường luôn được bạn bè, đồng nghiệp… khen mặc đẹp, dáng chuẩn, da trắng, trẻ hơn tuổi. Có lần, Hường ngồi quán cafe hay đi mua sắm còn được mấy chị, mấy cô đi ngang qua, ngoái lại, hỏi chỗ mua áo váy, thắt lưng rồi khen lấy khen để Hường đẹp hơn “hoa hậu”. Thế nhưng điều Hường không hiểu tại sao là mặc gì cũng bị chồng chê. Chưa bao giờ Hường được chồng khen dù với những bộ cánh mà mọi người xung quanh Hường cho là đẹp.
Lúc nào chồng Hường cũng bảo: “Bao váy áo đẹp thì không mua, toàn rước hàng vớ vẩn về nhà” (cho dù có điều kiện, Hường vẫn “chơi” hàng hiệu), “Anh chẳng hiểu em mặc kiểu gì, trông giống ‘con điên’”… Hoặc là Hường bị chồng chê già (hai vợ chồng bằng tuổi). Chồng Hường toàn lưu số của vợ trong di động là “vợ bà già”. Có lần đi ăn hàng, rõ ràng Hường nghe thấy em nhân viên đó xưng hô với hai vợ chồng là “anh chị” nhưng chồng Hường lại “trọc”: “Mấy em đó toàn gọi vợ là cô, gọi chồng là anh chứ. Sao vợ lại có thể già đến thế được?”… nghe mà bực.
Đã thế, hễ Hường mua cái váy hay cái áo màu mè là y như rằng bị chồng kêu: “Già rồi còn ham hố ‘xì-tin’”; làm kiểu tóc mới thì chồng lắc đầu: “Trông cứ như bà ngoại em sống lại”; thoa kem dưỡng da thì chồng than: “Da đầy nếp nhăn có kem nào chống nổi. Hay em đi quảng cáo đi, đoạn lúc tôi chưa dùng kem dưỡng da ý”, Hường tức anh ách.
Nhiều người chồng coi chuyện chê vợ là lẽ đương nhiên, thể hiện mình “bề trên” và có uy hơn vợ. Tuy nhiên, điều này chỉ khiến người vợ bức xúc, thấy chồng “mất điểm” dần trong mắt vợ, thậm chí trở nên coi thường chồng chứ không được “uy” như nhiều anh chồng vẫn tưởng. Cũng có nhiều anh chồng chỉ quen nói ngọt ở nơi khác, còn ngôn ngữ khó nghe thì mang về nhà cho… vợ. Đơn giản họ chỉ nghĩ đã là vợ chồng thì cần gì ngôn từ màu mè, cần gì khách sáo, nói ngọt, khen nịnh… Chính điều đó khiến cuộc sống vợ chồng có những căng thẳng không đáng có, gây ức chế cho người vợ, làm hạnh phúc khó viên mãn.
Mevabe