ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Cha mẹ có thể sai, thầy cô luôn luôn đúng!
Friday, December 23, 2011 10:18
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Cha mẹ nào chẳng hài lòng khi có những đứa con ngoan ngoãn luôn làm đúng theo lời thầy cô dạy ở trường. Thế nhưng, một khi trẻ chỉ răm rắp nghe lời thầy cô mà không đoái hoài gì đến những khuyên dạy từ gia đình như trường hợp của bạn đọc dưới đây, chúng ta phải ứng biến thế nào?

Cha mẹ có thể sai, thầy cô luôn luôn đúng! - Tin180.com (Ảnh 1)

Con trai tôi học lớp ba, và vợ chồng tôi thường xuyên lúng túng mỗi khi kèm con học. Không phải vì bài tập khó. Cả hai vợ chồng một làm ngành y, một bên xây dựng, chẳng lẽ lại chịu thua mấy bài toán cấp một. Nhưng con trai luôn khăng khăng lời cô giáo dạy ở trường là đúng nhất. Và bất cứ chuyện gì con cũng lấy lời cô dạy ra bắt ba mẹ phải làm theo!

Hôm nọ, đang ngồi làm việc trong phòng, tôi nghe con mình ê a đọc bài: “Từ xa nhìn lại, cây “gộ” sừng sững như một “thốp” đèn khổng lồ”. Tôi giật mình, vào phòng con kiểm tra xem con đã đọc đúng chưa. Thì ra là “cây gạo”, “tháp đèn”! Tôi biết con đọc theo giọng của cô giáo chủ nhiệm người miền Trung, nên bảo con phải sửa lại cho đúng. Thằng bé cứng đầu: “Bố mẹ đọc không đúng rồi, ở lớp cô giáo con dạy vậy mà. Mấy bạn trong lớp cũng đọc theo, cô đâu có nói sai”.

Lắm lúc vợ chồng tôi hốt hoảng với sự tin tưởng thầy cô một cách tuyệt đối của con mình. Mà không chỉ những bài học trên lớp, nhất cử nhất động trong cuộc sống của các thành viên trong gia đình đều bị con trai bắt phải làm theo lời cô dạy, từ chuyện ăn uống, nói năng đến ứng xử. Có lần bà nội đang ăn cơm, nghe câu chuyện hài nên bật cười, thằng cháu suỵt khẽ: “Cô giáo con dạy đang ăn cơm không được nói, không được cười, nếu không sẽ thành người bất lịch sự”. Dẫn con đi dự tiệc hay đi chơi bất cứ đâu, con cứ nài nỉ: “Mẹ mặc áo dài đi, phải là áo dài có nhiều hoa, cô giáo con mặc áo dài đẹp lắm”. Con trai không chịu uống sữa, chỉ cần nhờ cô giáo nhắc nhở về những lợi ích của sữa, thế là thằng bé uống sữa mỗi ngày ba cữ!

Vợ chồng tôi đang lo rằng mình đang mất dần hình ảnh trong mắt con, muốn con làm điều gì phải vin vào lời cô bảo thì con mới chịu làm. Chúng tôi phải khéo léo xử lý vấn đề này sao đây?

Nguyễn Lê Hạnh Hoa (Vũng Tàu)

PHỤ HUYNH CÙNG BẮT TAY NHÀ TRƯỜNG

Cha mẹ có thể sai, thầy cô luôn luôn đúng! - Tin180.com (Ảnh 2)

Chuyên viên tâm lý Trần Văn Dương, giám đốc trung tâm tư vấn giáo dục và trị liệu trẻ em TP.HCM:

Trước hết, các bậc cha mẹ phải thực sự hiểu rằng, ở giai đoạn mẫu giáo và tiểu học, thầy cô là thần tượng trong mắt trẻ. Thời gian trẻ ở trường nhiều hơn ở nhà nên những kiến thức mà trẻ nhận được chủ yếu do thầy cô truyền đạt. Vai trò của thầy cô thực sự quan trọng. Phương thức tốt nhất là phối hợp đồng bộ giữa gia đình và nhà trường bởi nếu gia đình là “cái nôi” đầu tiên hình thành nhân cách thì nhà trường sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện nhân cách ấy.

Trước hiện tượng “trẻ nghe lời thầy cô hơn cha mẹ”, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu xem cách thức giáo dục của thầy cô tại trường, và gặp gỡ thầy cô để cùng trao đổi. Với trẻ em, mỗi khi bước vào một giai đoạn trưởng thành là một lần các em thay đổi về tâm lý. Và không phải lúc nào các bậc cha mẹ cũng có thể nắm bắt được những sự thay đổi như thế của các em. Phản đối một cách thái quá về thầy cô và nhà trường trước mặt trẻ, hay bỏ mặc trẻ thì cả hai cách đều làm trẻ hoang mang. Chán học, stress, nghiện game, ám ảnh chống đối xã hội… cũng bắt nguồn từ đây. Thực sự ai đúng, ai sai và phải nghe lời ai… những câu hỏi đó chứng tỏ trẻ chưa xây dựng được hình mẫu lý tưởng để phát triển bản thân.

Hãy dành thời gian cho trẻ, làm bạn với trẻ và thành một đồng minh tin cậy của nhà trường để cùng kiểm tra, động viên, định hướng trong suốt quá trình học tập của con, khi ấy trẻ sẽ nhận ra rằng ba mẹ cũng quan trọng như thầy cô của mình.

HIỆN TƯỢNG NÀY CHỈ XẢY RA Ở TIỂU HỌC

Cha mẹ có thể sai, thầy cô luôn luôn đúng! - Tin180.com (Ảnh 3)

Nguyễn Minh Lộc, giáo viên tiểu học, quận Bình Thạnh, TP.HCM:

Tôi nghĩ các bậc phụ huynh đang lâm vào hoàn cảnh trên không nên lo lắng quá về hiện tượng “con cái nghe lời thầy cô hơn mình”. Ngay như tôi, một giáo viên, nhưng về đến nhà thì con gái tôi vẫn khăng khăng cô giáo ở lớp luôn đúng hơn mẹ. Ví như chuyện tôi nói tiếng miền Nam, cô giáo của con thì nói tiếng Bắc, con cứ bắt tôi phải nói theo giọng cô giáo. Tôi giải thích cho con hiểu: “Cô giáo ở tận Hà Nội nên nói được giọng như vậy. Còn mẹ ở tít Sài Gòn, mẹ không bắt chước cô được. Mà bắt chước là chuyện không tốt”. Vậy là con bé hiểu, lần sau không đòi mẹ phải thế này, thế kia. Mà dường như học sinh bậc tiểu học đều có những cảm nhận chung như vậy. Qua giai đoạn này, khi bọn trẻ đã ý thức được nhiều thứ hơn nữa, mọi sự bắt chước hay thần tượng sẽ nhạt dần. Nếu vẫn còn lo lắng, sợ thói quen tiêm nhiễm vào con, cách tốt nhất bạn nên kết hợp với giáo viên tại trường. Nhà trường luôn có nhiều phương pháp giúp trẻ cân bằng nhận thức.

Trong vai trò là một giáo viên, tôi cũng vui mừng nếu có những học sinh biết nghe lời. Tuy nhiên, chúng ta cần dạy cho các em hiểu rằng, bên cạnh nhà trường, gia đình chính là chiếc nôi tình cảm, tạo nhiều giá trị đạo đức, nhân cách cho các em.

EM NGHE LỜI CẢ CÔ GIÁO VÀ MẸ

Cha mẹ có thể sai, thầy cô luôn luôn đúng! - Tin180.com (Ảnh 4)

Bùi Bạch Thanh Linh, học sinh lớp 4, TP.HCM:

Lúc làm bài tập về nhà, em hay làm theo cách cô giảng tại lớp. Mẹ cũng chỉ cho em nhiều cách khác, nhưng em vẫn chọn cách cô giáo, vì dễ nhớ hơn. Cô giáo em mặc áo dài rất đẹp, em cũng muốn mẹ mặc áo dài, nhưng mẹ không phải là cô giáo nên mẹ không thích áo dài. Cô giáo là người Huế, nên nói tiếng Huế khi đọc bài cho cả lớp nghe. Khi em đọc lại thì đọc tiếng Nam, vì dễ đọc hơn. Em nghe lời cả cô giáo và mẹ ở nhà. Vì mẹ nấu cho em ăn, mua quần áo, sách vở cho em học; còn cô giáo thì dạy em học, cho em nhiều kiến thức nên những gì liên quan đến học tập em phải nghe lời cô.

Nguyên Cao (thực hiện)

(theo sgtt)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.