Từ đua đòi đến phạm lỗi
Mẹ của M.N., học sinh lớp 8, bàng hoàng khi nghe anh ruột kể con gái mình qua nhà năn nỉ cậu mợ nhận cháu làm con nuôi, được ở nhà cậu mợ để sung sướng giống anh chị (có phòng riêng, xe hơi đưa đón đi học…) và bé còn kể tội mẹ là “không thương con, hay mắng chửi, hành hạ, đánh đập…” khiến nhiều lúc M.N. có ý định bỏ nhà đi! Khi trao đổi với em gái mình, người cậu mới biết những gì cháu kể hoàn toàn là tưởng tượng, nhằm đáp ứng mong muốn được là “con đại gia”.
Từ ngày giao du với nhóm bạn con nhà giàu, Vy V. mới lớp 5 nhưng đã biết chải chuốt, chưng diện, tóc thì duỗi thẳng mướt, áo quần thì đủ kiểu đủ màu… Ban đầu, bà mẹ tin lời con giải thích nào là áo quần này bạn mặc không vừa nên cho, nào là tóc này mẹ của người bạn thân duỗi cho… Đến khi được cô giáo mời vô gặp, bà mới tá hoả khi cô cho biết: từ đầu năm đến giờ trong lớp có ba bạn để tiền trong cặp bị mất, lần gần đây nhất nhờ cô để ý nên bắt được tận tay: thủ phạm chính là con chị!
Đừng dạy con mê tiền
Khi trẻ bắt đầu quan tâm đến việc tiêu tiền và biết yêu cầu, đòi hỏi thì điều cha mẹ cần quan tâm là giáo dục cho con biết rõ về hoàn cảnh của gia đình, giúp trẻ sống có ý thức trách nhiệm với gia đình; biết yêu thương, quan tâm đến cha mẹ. Cha mẹ cần phải thương con đúng cách, phải biết từ chối và đồng thời giải thích cho con hiểu những nhu cầu của trẻ có hợp lý hay không; không nên chiều chuộng và đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ vì dễ tạo cho trẻ thói quen sống đua đòi, ích kỷ. Cũng không nghiêm khắc cấm đoán, la mắng vì như thế rất khó dạy con có thái độ sống đúng đắn.
Bản thân phụ huynh trong giáo dục con cũng đôi khi vô tình tạo cho trẻ có ý nghĩ so sánh, ganh tỵ với người khác. Có những cha mẹ hay so sánh con mình với bạn bè, đòi hỏi con phải giống bạn, phải hơn bạn trong ứng xử, trong học tập… Sợ con thua kém bạn bè, họ làm mọi cách để cho con bằng bạn bằng bè, lâu dần trẻ bị lây nhiễm cách sống đó, hễ thấy bạn có cái gì mới, cái gì đẹp là muốn có cho bằng được. Trong suy nghĩ đơn giản của trẻ, tiền là quan trọng nhất, từ đó dẫn đến lối sống thực dụng, chỉ nghĩ đến bản thân.
Ham tiền, ham vật chất, ham giàu có quá sớm là con đường dễ đưa đẩy trẻ đến lối sống thực dụng và sa vào nhiều cạm bẫy trong cuộc sống. Bảo vệ sự an toàn và hạnh phúc cho con không phải là chăm chăm đáp ứng mọi mong muốn của con, điều quan trọng là trang bị cho con một thái độ sống đúng đắn.
Cha mẹ phải làm gương
Để hình thành ở trẻ một thái độ sống tích cực, biết sống vì người khác, biết yêu thương và biết nghĩ cho cha mẹ, trẻ cần phải hiểu biết và thực hiện được các giá trị tiết kiệm, lòng tự trọng, tính trung thực, lối sống giản dị trong cuộc sống qua hình ảnh gương mẫu của người thân trong gia đình. Khi đứa trẻ được trang bị đủ sức mạnh nội tâm, trẻ sẽ có thêm vẻ đẹp tâm hồn, phong phú hơn các giá trị bản thân.
Mưu cầu một tương lai tốt đẹp, một cuộc sống sung túc không bao giờ là sai cả, nếu cha mẹ giáo dục trẻ nhận thức được rằng phải phấn đấu vươn lên bằng nghị lực, ý chí và khả năng của mình chứ không sống hưởng thụ dựa dẫm.
ThS tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh
(giám đốc trung tâm Nghiên cứu
ứng dụng tâm lý và truyền thông
cộng đồng TP.HCM)
(theo sgtt)