Tôi may mắn sinh ra và lớn lên trong một gia đình hiếu học ở một vùng quê nghèo. Năm tôi lên 8 tuổi, mẹ tôi qua đời vì lao lực. Đó cũng là năm tôi nhận ra mình không thể cao hơn được nữa, tôi bị tật… lùn
Mỗi ngày ba đều phải cõng tôi đến trường trước sự cười cợt của đám bạn và nhìn ngó của mọi người. Dù bị xem như “người ngoài hành tinh”, tôi vẫn quyết tâm đi học đều đặn cho ba vui lòng. Tôi bỏ ngoài tai những lời chọc ghẹo của những người ác ý, ánh mắt hiếu kỳ của bạn bè cùng trang lứa. Cuối cùng, tôi cũng hoàn thành chương trình phổ thông trong sự cố gắng không ngừng nghỉ.
Hồi đó, ngay đối với những học sinh lành lặn, hai chữ đại học là cả một niềm mơ ước. Đối với tôi, một đứa trẻ tật nguyền thì lại càng xa vời.
Hôm đón xe lên TPHCM, cha con tôi tình cờ gặp một người hàng xóm. Vừa trông thấy ba tôi, ông ta hỏi: “Ông đưa nó đi đâu vậy?”. Ba tôi trả lời: “Đi thi đại học”. Rảo nhìn qua thân hình “ống tre” của tôi, ông nguýt dài kèm theo một câu cụt ngủn: “Hừm, trứng mà đòi chọi với đá”!
Ngồi lên xe và tiếp tục cuộc hành trình, thay vào sự háo hức lần đầu tiên được vào thành phố và chìm đắm trong những giấc mơ tuyệt đẹp về tương lai, đầu tôi bắt đầu ngổn ngang suy nghĩ về câu nói của ông hàng xóm.
Nhưng cũng từ đấy, lời miệt khinh của ông hàng xóm như một thách đố ám ảnh tôi từng giờ. Suy nghĩ mãi, tôi đã đi đến một quyết định “trọng đại”: Phải thi đậu bằng mọi giá!
Tôi tranh thủ từng giờ và tận dụng mọi nơi để ôn bài, cẩn thận đến từng câu chữ, kể cả việc phải nghe lời khuyên đầy vẻ mê tín của bà chủ nhà là không ăn trứng, chỉ ăn đậu…
Kết quả, tôi trúng tuyển cả 3 trường mà tôi nộp đơn và là người duy nhất của làng năm đó đậu đại học.
Giờ đây, tôi đã có được một công việc ổn định ở TPHCM, tuy chưa thể gọi là thành công gì to tát nhưng đó là kết quả một quá trình nỗ lực không chịu buông xuôi.
Tôi không buồn giận ông hàng xóm mà thầm cảm ơn cuộc đời đã cho tôi gặp ông trong chuyến xe hôm đó. Nhờ lời chế giễu của ông mà tôi kịp đứng lên…
(Theo nld)