Chú rể chần chừ
Chỉ còn đúng một tuần nữa là đến ngày cưới, như người ta là bận trăm công nghìn việc, thế mà ông anh họ vẫn có thời gian gọi điện cho tôi: “Mày đi làm vài chén với anh để anh củng cố tinh thần chứ không khéo đúng ngày cưới, anh bỏ trốn mất!”. Tôi đến nơi đã thấy anh ngồi đợi, mắt sâu má tóp, tóc tai bơ phờ, trên bàn đã có đĩa mực nướng với chục chai bia. Anh bảo chả hiểu thế nào càng gần ngày cưới anh càng thấy lo, càng muốn hoãn lại thêm một vài năm nữa. Hóa ra, suốt ngày phải nghe các đồng nghiệp nói xấu vợ, than thở về thân phận người đàn ông sau khi kết hôn, nào là bị mất tự do, bị bóc lột sức lao động, lĩnh lương không được tiêu, thèm rượu bia không được uống, thấy gái đẹp không được nhìn, thường xuyên bị theo dõi điều tra, tối về muộn thì bị bỏ đói, bị đá ra phòng khách… nên anh họ tôi đâm ra sợ.
Nhưng anh và vợ sắp cưới đều đã 28 tuổi, yêu nhau từ thời còn sinh viên đến nay dễ đến 5, 6 năm, không cưới thì còn bắt người ta chờ đợi đến bao giờ? Gia đình hai bên cũng thúc giục nhiều lần mà anh cứ lần lữa. Chỉ đến khi chị tuyên bố nếu không cưới chị sẽ đi lấy người khác, anh mới vội vàng đồng ý vì không muốn mất đi người yêu dấu.
Họ chẳng sợ quá lứa lỡ thì, chẳng sợ già kén kẹn hom, sợ làm bà cô già mà chỉ sợ lấy chồng rồi khổ. (ảnh minh họa)
Những trường hợp giống anh họ tôi không phải ít. Càng ngày, xu hướng kết hôn muộn càng tăng cao. Dường như việc sống quá nhanh trong một xã hội quá đủ đầy, quá nhiều lựa chọn vui chơi giải trí khiến người ta chẳng còn mặn mà nhiều với việc kết hôn để gắn kết cuộc đời mình vào một nơi nhất định nào đó. Họ lo sợ sẽ phải đánh đổi những thói quen, sở thích của mình để thích nghi với cuộc sống mới, sợ phải giải quyết những mâu thuẫn sẽ nảy sinh trong cuộc sống gia đình.
Cô dâu chạy trốn
Không chỉ có cánh mày râu mới lo mình sẽ mất cái nọ mất cái kia sau ngày cưới. Các cô gái cũng bắt đầu có tư tưởng nổi loạn. Họ chẳng sợ quá lứa lỡ thì, chẳng sợ già kén kẹn hom, sợ làm bà cô già mà chỉ sợ lấy chồng rồi khổ.
Dạo gần đây, tôi nghe hàng xóm kháo nhau về chuyện đám cưới của con gái một bác cùng phố, tên em là Nguyễn Lệ Thủy (26 tuổi) mà dở khóc dở cười. Thủy đang làm kiểm toán cho một công ty xuất – nhập khẩu, lương khá ổn định. Cô yêu một chàng trai làm công nghệ thông tin, hơn mình 5 tuổi. Sau thời gian yêu nhau say đắm, hai người quyết định thưa chuyện cưới xin.
Tuy nhiên chính sự ích kỷ, cầu toàn, đòi hỏi, kém hiểu biết… của người trong cuộc mới là thủ phạm phá hỏng hôn nhân. (ảnh minh họa)
Thủy là con gái út trong nhà, được bố mẹ chiều chuộng từ tấm bé. Đám cưới Thủy, bố mẹ tổ chức to lắm, loan tin khắp nơi, họ hàng gần xa kéo về đông nghịt, không khí gia đình vô cùng nhộn nhịp. Thủy rảnh tay ngồi góc này một chốc, “hóng hớt” góc kia một lát, vô tình nghe các bà các chị kể chuyện làm dâu, nào là phải thức khuya dậy sớm thu vén việc nhà, nào là mẹ chồng ác nghiệt, việc nhà chồng to bé đều đến tay, lại còn sinh con đẻ cái, tối tăm mặt mũi suốt ngày, đến rửa mặt chải đầu cũng chẳng có thời gian, cô thấy lo sợ rồi bỏ chốn. May mà trước giờ đón dâu, Thủy được cô bạn thân tháp tùng về.
Cần nhìn nhận lại về hôn nhân
Ngày càng nhiều người né tránh hôn nhân vì họ có cái nhìn phiến diện, không đúng về nó. Bản thân hôn nhân không có lỗi. Lỗi thuộc về cách mà người ta đối xử với hôn nhân. Người ta tự kết luận, ký tên vào tờ giấy đăng ký kết hôn là ký tên vào “bản án tù chung thân”, hoặc ví von hôn nhân là “nấm mồ chôn cất tình yêu”… Tuy nhiên chính sự ích kỷ, cầu toàn, đòi hỏi, kém hiểu biết… của người trong cuộc mới là thủ phạm phá hỏng hôn nhân.