Nào bà chị chồng học hết lớp 9 thì nghỉ ở nhà cấy lúa, nuôi lợn rồi lấy chồng nên giờ phải đi làm osin cho người ta; nào mẹ chồng đề cái phong bì mừng cưới mà ghi ‘chúc mừng’ thành ‘chức mừn’ vì mới học hết lớp 3, lâu rồi không đụng đến cái bút nên chữ nghĩa quên hết cả…
Thúy thuộc loại con nhà giàu trên thành phố. Yêu và cưới anh chồng ngoại tỉnh, hai vợ chồng được bố mẹ đẻ Thúy cho tiền mua nhà đẹp. Sẵn tính tự cao, tự đại nên Thúy tự cho mình quyền được chê người ở quê, kể cả quê chồng. Thúy nói: “Sau này có con, cũng chẳng gửi về quê cho ông bà nội đâu. Thấy bọn trẻ con ở quê đứa nào cũng lem nhem, bẩn thỉu, quần áo cáu cặn, mặt mũi nhọ xanh – nhọ đỏ, chưa kể mũi dãi nhớt nhát nghịch đất, nghịch cát cũng đủ hãi rồi. Mình thì chỉ về quê độ 2 ngày là đã ‘phát sốt’ rồi, chịu không ở nổi”.
Còn Ngân (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng coi thường quê chồng mặc dù bố mẹ chồng ở quê cũng thuộc diện có của ăn, của để. Ngân có quan niệm giàu do tri thức và giàu do buôn bán hay nuôi lợn, nuôi gà… là khác xa nhau. Tri thức thì bao giờ cũng “thanh cao, sạch sẽ”, còn giàu do buôn bán kiểu đầu tóc bơ phờ như bố mẹ chồng Ngân dưới quê thì không đáng được “tôn vinh”. Lần về quê chồng ăn cưới mới đây, thấy mấy bà chị họ tíu tít diện váy đi đón dâu, trước mặt thì Ngân khen là đẹp nhưng lên thành phố, kể với bạn bè, Ngân toàn chê chị em họ “nửa mùa”. “Diện váy xanh lét lại đi đôi giày xước mũi, đầu tóc bù xù không nhuộm, không ép, không xoăn thì ra cái kiểu gì” – Ngân kể về thời trang của chị em họ ở quê chồng như thế.
Coi thường nhà chồng là tự mang bất lợi đến mình
Một số nàng dâu ở thành phố, có điều kiện, kèm theo tư tưởng phân biệt “quê – phố” có thể trở nên coi thường quê chồng. Trong cử chỉ, suy nghĩ, lời nói… của nàng dâu với quê chồng sẽ rất khó giấu và bị bộc lộ dần ra. Nhiều người nghĩ, quan trọng gì đâu vì đó là sự thật, hoặc chẳng có nàng dâu nào dại dột mà “khinh” quê chồng trước mặt nhà chồng. Họ chỉ thích chỉ trích sau lưng, khi đã lên thành phố, kể cho bạn bè đồng nghiệp nữ… để “buôn chuyện” giải sầu… Tưởng là vô hại nhưng nàng dâu có thể tự đẩy mình vào thế bất lợi nếu chuyện này lọt tới tai chồng.
Đàn ông có đủ nhạy cảm để biết có đang bị vợ nói xấu không. Chuyện bị vợ nói xấu sau lưng cũng không phải hiếm và có khi người chồng cũng chẳng để bụng. Nhưng nếu bị vợ coi thường về gốc gác, gia cảnh, cha mẹ, anh em… thì tất nhiên người chồng nào cũng để bụng, thậm chí để bụng rất lâu và rất sâu.
Người chồng có thể không nói toạc ra ấm ức của mình với vợ vì sĩ diện nên người vợ không thể biết nỗi lòng của chồng mà biết điều chỉnh. Cũng có người chồng hậm hực, tức tối khi bị vợ chê bai quê quán… nhưng người vợ chỉ thấy sự giận dữ của chồng là vô lý, bởi mình có nói xấu gì đâu, toàn là chuyện có thật cả, không thêm – không bớt một lời… Khi ấm ức bị dồn nén và lên tới đỉnh thì tâm lý bất mãn của người chồng với vợ sẽ lây sang những chuyện khác. Chẳng hạn, người vợ muốn nhắc nhở chồng về việc gì đó nhưng chồng sẽ không làm mà “lý sự cùn”: “Ờ thì tôi nhà quê nên chỉ ở bẩn thế thôi…”. “Cùn do bất mãn” ở chồng là thứ “bệnh” cực kỳ khó tìm cách điều trị. Bởi khi đó, người vợ dù nói thế nào, góp ý nhỏ nhẹ ra sao, người chồng cũng biết sai – biết đúng nhưng lại bảo thủ, quyết không nghe theo vợ. Kết quả, người vợ đã tự biến chồng mình từ một người chồng tốt, biết phải – trái thành một kẻ ngang tàn, không thích vun đắp mà chỉ thích phá…
Chưa kể, “tật” coi thường quê chồng mà để bố mẹ, họ hàng, anh em… chồng biết thì còn rắc rối to. Ai cũng có lòng tự trọng, có gia đình, quê hương cần được người khác tôn trọng. Nếu mẹ chồng hay chị em chồng tự ái mà “trở mặt” thì hạnh phúc của con dâu không có gì đảm bảo được… Vì thế, nếu đã chấp nhận lấy chồng thì cần học cách tôn trọng cả những gì thuộc về chồng mình như gia đình, họ hàng, bạn bè. Đó cũng là cách để người vợ gìn giữ hạnh phúc.
Theo Ngọc Bình
Mevabe