Chị chia sẻ: “Dù lương cao nhưng tôi thật sự không thích công việc của mình, bố mẹ của bé đi làm từ sáng sớm đến tối, “khoán trắng” con cho tôi. Mỗi tối về, bố mẹ bé cũng không ẵm bồng hay nựng nịu con, để bé ngủ luôn với tôi. Thấy bé hiếu động như vậy, nhưng thật ra cháu buồn và thiếu thốn tình cảm – quan sát bé hàng ngày, tôi biết. Giá bố mẹ bé chỉ cần chơi với con mỗi tối nửa giờ, hay hỏi thăm tôi hôm nay cho bé ăn gì, bé ăn được không. Cứ tình hình này, tôi lo ngại bé sẽ bị bất ổn tâm lý”.
Chị Võ Thị Phượng (Vũng Tàu) cho biết, trong lần đưa con lên TP.HCM khám bệnh mới đây, chị mua được một cuốn sách dạy nuôi con: “Tôi mua quyển sách dạy nấu những món giúp bé mau lớn, khoẻ mạnh, thông minh, nhưng nấu cho con ăn đâu một tháng thì cháu biếng ăn. Đem hỏi bác sĩ, mới kêu trời vì đó là những món chưa hề thấy trong giáo trình dinh dưỡng nào!”
Chị Nguyễn Thị Bích Hoa, quận 7 TP.HCM, sau khi tham dự hội thảo về kỹ năng làm cha mẹ, thấy chuyên gia tâm lý khuyên không nên dùng roi vọt với con, chị về nhà ứng dụng ngay. Nhưng hai con của chị, vốn đã quen với cách “thương cho roi cho vọt” của mẹ, nên khi chị chuyển sang nói nhỏ nhẹ, cháu nhất quyết không nghe! Thấy cách này không hiệu quả, chị Hoa quay lại dùng… roi. Chị than thở: “Tôi biết xài roi là không tốt, nhưng các con tôi quá cứng đầu, biết làm sao!”
Không có đứa trẻ nào giống đứa nào
BS.CK2 Nguyễn Thị Hoa, trưởng khoa dinh dưỡng bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết, các sách dinh dưỡng cho trẻ thuộc loại cung cấp kiến thức khoa học, nhưng hầu hết đều không ghi nguồn tham khảo. Ngay cả sách của một số nhà xuất bản có uy tín cũng không cho biết nguồn gốc của tài liệu tham khảo hay danh tính cụ thể những người tư vấn cho cuốn sách. Những kiến thức lệch lạc trong rừng sách dinh dưỡng đang bị thả nổi hiện nay khiến nhiều gia đình lo ngại. “Hiện có quá nhiều sách khuyên phụ huynh cho con ăn chất này, chất nọ theo tài liệu nước ngoài nhưng lại không thuyết minh được thành phần dinh dưỡng, là thiếu cơ sở khoa học. Khẩu vị của người phương Tây cũng khác nước ta. Trong thực tế, có những trẻ ăn theo phương pháp dinh dưỡng phương Tây đến khi lớn lên đã mất khả năng ăn một số món truyền thống… “, BS Hoa nói.
Chính vì không có đứa trẻ nào giống đứa nào, nên có khi kinh nghiệm này thành công với bé này nhưng không thành công với bé khác. Khi gặp sự phản ứng quyết liệt của trẻ, bố mẹ nên dừng việc thử nghiệm, sau đó tiến hành từng bước chậm rãi, theo hướng từ ít đến nhiều. Đừng vội nản lòng nếu bạn không đạt kết quả ngay, nhưng cũng đừng quá kỳ vọng vào thử nghiệm của bạn. “Điều quan trọng nhất trong việc tiếp thu các kinh nghiệm nuôi dạy con và ứng dụng chúng, là bạn phải quan sát thật kỹ con của mình để biết nên ứng dụng điều gì và thêm bớt điều gì, điều chỉnh ra sao đối với các phương pháp đó, cho phù hợp nhất với bé. Và trước khi áp dụng, nhớ trao đổi với con, đừng bao giờ nghĩ con bạn quá nhỏ để hiểu những gì bạn nói. Việc trao đổi sẽ giúp bé hiểu hơn điều bé sắp được tham gia”, bà Vân lưu ý.
Mỹ: Học theo sách, cha mẹ “dạy” con đến chết
Ở ba bang khác nhau của nước Mỹ, ba đứa trẻ đã chết tại nhà do “được” cha mẹ dạy bằng roi vọt theo phương pháp trong cuốn sách của một vị mục sư. Sách được xuất bản lần đầu vào năm 1994, với tựa đề To train up a child (Dạy con) của nhà truyền giáo Michael Pearl và vợ, Debi. Trong đó, vị mục sư khuyên các bậc phụ huynh nên dùng roi vọt với trẻ càng sớm càng tốt, thậm chí là ngay khi trẻ mới sáu tháng tuổi để ngăn chặn hành vi xấu! Tác giả cho biết, sách bán được hơn 670.000 bản và được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau. Theo The Seattle Times, rất nhiều người bất bình với cách dạy con này. Họ cho rằng, tác giả khuyến khích cha mẹ nghĩ rằng dạy con vâng lời cũng giống như huấn luyện một con vật!
|
(theo gia dinh )