Mỗi lần đi chơi, anh người yêu rủ thường Mai đi uống trà đá vỉa hè thay vì vào quán cà phê hay xem phim để “vừa mát vừa đỡ tốn”. Sau nửa năm hẹn hò, Mai sốc khi biết chàng có một cuốn sổ ghi chép tỉ mỉ các khoản “tình phí” dù chẳng đáng là bao.
Ảnh minh họa: Thegrandnarrative.com. |
Nhìn bên ngoài, ai cũng khen Mai – kế toán một công ty kinh doanh thiết bị vệ sinh ở Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) may mắn vì có được chàng người yêu vừa bảnh bao, lịch sự, lại thành đạt khi tuổi còn trẻ. Thế nhưng, nhiều lần, Mai bẽ bàng vì tính keo kiệt của chàng.
Ngay mới đây nhất, sinh nhật Mai, cô rủ mấy người bạn thân đi ăn lẩu, và người yêu cô tất nhiên cũng có mặt. Sau khi ăn uống, Mai muốn độn thổ khi thấy chàng hô hào mọi người cùng góp tiền thanh toán. “Mình vội giằng lấy hóa đơn và tự đi trả tiền, trong lòng chỉ muốn có lỗ nẻ nào để chui xuống”, Mai kể.
Và đỉnh điểm là khi Mai phát hiện người yêu có một cuốn sổ ghi chi tiết những thứ mua từng ngày, trong đó có riêng một khoản “tình phí” như: đi ăn trưa cùng người yêu, mua cuốn tạp chí cho Mai, đổ xăng hôm đi chơi…
“Dù vẫn còn tình cảm nhưng mình không thể chấp nhận việc chung sống với một người chi ly như thế”, Mai bày tỏ khi lý giải quyết định chia tay.
Cả hai đều là sinh viên, cùng ở ngoại tỉnh, nên Nhu (quê Thái Bình) chưa bao giờ đòi hỏi người yêu phải đưa mình đi ăn uống hay mua sắm gì. Thế nhưng, gần đây, cô cũng không chịu nổi khi thấy chàng quá căn ke. Việc khiến Nhu suy nghĩ nhất là nhận được tin nhắn của chàng: “Em nạp cho anh cái thẻ điện thoại 100k nhé. Hì, trừ luôn vào số tiền em mượn anh hôm trước để sửa xe”.
“Mình không tiếc tiền, nhưng thấy sợ quá. Mấy ngày trước khi hai đứa đi chơi bằng xe của mình thì xe hỏng. Hôm đó mình quên mang tiền nên chàng trả hộ. Mình cũng định lần gặp sau sẽ đưa lại, ai ngờ anh ấy đòi ngay bằng cách này”, Nhu giải thích.
Nhu cho biết, dù yêu nhau gần một năm nhưng cô chưa bao giờ nhận được một món quà nào từ người yêu. Mỗi lần đi ăn chung thì thường ai trả phần người nấy, thậm chí không ít lần chàng quên mang tiền hoặc mang không đủ và cô phải trả tất cả. Nhưng Nhu vẫn không hề trách móc mà luôn nghĩ do chàng tiết kiệm và chỉ cần anh ấy yêu mình chân thành là đủ. Thế nhưng, càng ngày, thấy người yêu càng chi ly, không muốn đi chơi, đi ăn chung với bạn bè của mình vì sợ phải chi, hay có lần bố cô bị ốm ra Hà Nội nằm viện cả tháng mà chàng chẳng tới thăm chỉ vì “anh bí quá”, khiến Nhu phải suy nghĩ lại.
Cũng yêu phải một chàng có máu keo kiệt, chia sẻ trên mục Tâm sự của Vnexpress.net, bạn đọc Mai Lan băn khoăn không biết có nên tiến tới hôn nhân. Cô gái 24 tuổi này cho biết, cả cô và bạn trai đều có việc làm ổn định, lương trung bình khoảng trên 20 triệu đồng một tháng, nhưng mỗi tháng chàng người yêu chỉ ăn tiêu hết 2 triệu đồng. Mỗi lần đi chơi, nếu cô khát nước hay đói thì chỉ gọi đồ rồi ăn, uống một mình. Quần áo cô mua luôn bị người yêu chê đắt. Chưa bàn tới chuyện cưới xin nhưng chàng đã nói xa gần “nếu lấy em ở xa thì tốn kém tiền xe hoa các thứ”, và kể ra một loạt đám cưới tiết kiệm như chỉ mua đôi nhẫn cưới 300 nghìn đồng, giường cưới không cần…
Bà Trần Thị Hồng Hà, phó giám đốc Trung tâm tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cho biết, không ít cô gái “đứng giữa đôi dòng nước” không biết nên tiếp tục mối quan hệ hay chấm dứt khi phát hiện tính ky bo ở người bạn trai. “Người ta vẫn gắn nam giới với sự phóng khoáng nên tính “đong lọ nước mắm” thường dễ gây ác cảm với phái nữ”, bà Hà nói.
Theo bà, thực tế, tính bủn xỉn, ky bo ở nam giới có thể do một nguyên nhân sâu xa nào đó, như trước kia họ đã trải qua cảnh đói nghèo hoặc từng chứng kiến những người không có tiền phải sống khổ sở nên luôn lo xa, tìm mọi cách tích lũy tiền, hạn chế chi tiêu. Tuy nhiên, cũng có nhiều người ky bo vì bản tính ích kỷ, lúc nào cũng chỉ quan tâm tới mình, sợ tiêu tốn những thứ thuộc sở hữu của mình…
Nhà tâm lý cho rằng, dù vì lý do gì, khi yêu người đàn ông dè xẻn tới mức quá đáng, chị em cần tìm hiểu kỹ trước khi lập gia đình, xem liệu tính cách ấy mình có chấp nhận được không. Thực tế, tính cách này thường đã ăn sâu, thành thói quen, cách sống, rất khó thay đổi.
Điều đáng nói là, khi yêu, phái nữ thường hay thương, họ không đòi hỏi gì về vật chất hoặc tự biện minh “do anh ấy khó khăn”, “anh ấy tiết kiệm” hay bào chữa là “chuyện tiền bạc không quan trọng”… nên cố lờ chuyện này đi.
Tuy nhiên, trong hôn nhân, kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng. Khi lập gia đình cả hai thu về một mối, cùng có trách nhiệm, mục tiêu chung nên nếu không có sự chia sẻ và thống nhất về tài chính sẽ rất dễ dẫn đến xung đột, đổ vỡ.
Ngoài ra, theo bà, người phụ nữ cũng phải tạo được cuộc sống độc lập của mình, không phụ thuộc hay ỉ lại vào chồng, để tránh gánh phải những bi kịch hôn nhân nếu lỡ lấy phải người đàn ông quá yêu đồng tiền của mình”, bà Hà chia sẻ.
Vương Linh
(Theo vnexpress)