Các chuyên gia châu Âu đang phát triển một hệ thống giúp bảo vệ những vệ tinh viễn thông và định vị trước sự tấn công của bão mặt trời.
Hầu hết các dịch vụ thời hiện đại, từ điện thoại di động đến vũ khí phức tạp, ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ định vị toàn cầu, gọi tắt là GPS. Tuy nhiên, sau giai đoạn ngủ đông, mặt trời đang bước vào cao trào hoạt động kéo dài 11 năm và các vệ tinh GPS đang đối mặt với nguy cơ bị bão mặt trời phá hỏng. Một trong những viễn cảnh tồi tệ nhất là hệ thống vệ tinh này bị đánh sập, khiến chúng va vào nhau trên quỹ đạo trái đất hoặc đường truyền bị ngưng trệ.
|
Các nhà nghiên cứu thuộc 6 quốc gia châu Âu sẽ sử dụng dữ liệu vệ tinh và các thiết bị đo đạc trên mặt đất về từ trường trái đất để dự đoán những sự thay đổi trong bức xạ mặt trời. Điều này cho phép họ cảnh báo các nhà vận hành vệ tinh về sự gia tăng bất thường của các hạt điện tích nguy hiểm, cho phép họ có thời gian thay đổi vị trí của chúng, hoặc ngắt điện tạm thời, hoặc khép bớt các cánh vệ tinh.
Đây là lần đầu tiên giới chuyên gia có thể dự đoán được lượng bức xạ trên phạm vi rộng lớn thuộc nhiều quỹ đạo khác nhau, từ địa tĩnh học đến quỹ đạo ở độ cao trung bình, nơi ngày càng xuất hiện nhiều vệ tinh, theo trưởng nhóm Richard Horne. “Chưa có ai từng làm được điều này trước đó”, chuyên gia Horne nói. Các vệ tinh GPS đặc biệt dễ bị hư hỏng nhất do chúng ở quỹ đạo thấp, di chuyển xuyên qua vành đai Van Allen (vùng từ trường bao quanh trái đất).
Dù bức xạ từ mặt trời có thể mất cả ngày rưỡi mới đến trái đất, hệ thống mới chỉ cảnh báo trước được vài giờ, nhờ vào dữ liệu của một vệ tinh NASA đang nằm ở độ cao hiếm hoi, tức cách mặt đất khoảng 1,3 triệu km, với chi phí khoảng 3,4 triệu USD. Trong khi đó, hậu quả do “siêu bão” mặt trời gây nên, giống như đợt vào năm 1859, có thể làm thiệt hại đến 30 tỉ USD chỉ tính riêng phần vệ tinh, theo tính toán của BAS. Gần đây, vào năm 2003, một cơn bão địa từ đã đẩy hơn 47 vệ tinh vào tình trạng hỗn loạn, gây thiệt hại một vệ tinh có giá 640 triệu USD.
(Theo TNO)