Theo phóng viên tại Liên hợp quốc, ngày 8/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon đã nêu rõ rằng Liên hợp quốc đang tận dụng các công nghệ vũ trụ trong nỗ lực chung toàn cầu vì một thế giới an toàn hơn và thịnh vượng hơn.
Ông nhấn mạnh, nghiên cứu chung của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Cơ quan Liên hợp quốc về vũ trụ (UNOOSA) và Hội đồng Khoa học quốc tế (ICS) công bố ngày 8/3 đã khẳng định lợi ích và những tri thức rõ ràng về công nghệ vũ trụ giúp tăng cường khả năng của nhân loại quản lý hành tinh cũng như đối phó hiệu quả với những thách thức toàn cầu.
Công nghệ vũ trụ giúp tăng cường khả năng của nhân loại quản lý hành tinh
Biến đổi khí hậu đe dọa tác động mạnh đến các hệ sinh thái và tất cả các lĩnh vực của phát triển bền vững, từ lương thực, năng lượng, nguồn nước đến sự ổn định chính trị và kinh tế, sự thịnh vượng, an ninh và cuộc sống của nhân loại trong tương lai. Các hệ thống quan sát toàn cầu trên mặt đất cũng như trên vũ trụ có tầm quan trọng sống còn giúp nhân loại đối phó hiệu quả với những mối đe doạ này.
Nghiên cứu cũng nêu bật những cách thức mà các tổ chức của Liên hợp quốc sử dụng những thông tin từ vũ trụ để giám sát khí hậu Trái Đất và hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách về dự báo, thích nghi và làm giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Ủy ban liên chính phủ của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) đã nhấn mạnh nhu cầu hiểu biết hơn nữa quá trình diễn ra ở các đại dương để nâng cao năng lực hoạch định chính sách cũng như phản ứng xã hội đối với biến đổi khí hậu. Biến động của mực nước biển, sự tan chảy của các dòng sông băng và băng giá vĩnh cửu ở các cực Trái Đất được xác định là những thông số quan trọng của biến đổi khí hậu.
Màu của các đại dương là chỉ số xác định 17 hoạt động sinh học của cuộc sống và hiện trạng sinh hóa trong các đại dương. Những nhân tố này giúp dự báo những hiểm họa đối với các khu vực ven biển đông dân cư và những khu vực đất thấp dễ bị tổn thương do các thảm họa thiên nhiên.
(Theo Vietnam+)