Đã qua tuổi thất thập nhưng ngày nào ông Vũ Tiến và vợ Vũ Thị Ngọc Oanh vẫn cặm cụi đi, về từ phố Vọng đến ngôi nhà số 13, Ngô Văn Sở (Hà Nội), vừa để quản lý việc kinh doanh, vừa để chăm 30 đứa trẻ mà với ông chúng là “duyên nợ của cả cuộc đời”.
Có lẽ bây giờ không còn ai biết đến những câu hát này nữa nhưng vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, nó đã làm không ít con tim day dứt. Đấy là “quốc ca” của những đứa trẻ lang thang trong Tổ bán báo “Xa mẹ” được ông Vũ Tiến thành lập năm 1989.
Ông Tiến nhớ lại: “Vào những năm 80, kinh tế còn nhiều khó khăn. Ở các ngõ ngách, gầm cầu Hà Nội có rất nhiều trẻ lang thang. Chúng thường đến hàng cơm của tôi ở Quán Sứ để xin ăn. Thương chúng, tôi mua báo cho bán, đêm chúng lại về nghe bà Oanh dạy học. Vào cuối tuần, tôi cũng tổ chức xe đưa đón trẻ ở cầu Long Biên về đây cho chúng con chữ”.
Không dừng lại ở đó, với mong muốn các em không còn phải lo miếng cơm, manh áo, được đến trường, từ năm 1995, ông Tiến chuyển mục tiêu vào nuôi dưỡng khoảng 30 trẻ mồ côi và trẻ em nghèo. Bởi vậy, Tổ bán báo Xa mẹ được đổi thành Chương trình nuôi dạy trẻ em mồ côi xa mẹ, ở số 13, Ngô Văn Sở.
“Những đứa trẻ ở đây được nuôi đến trưởng thành, tự lập rồi tôi lại nhận những trẻ còn bé vào. Lúc nào cũng duy trì ở con số 30. Mình có sức sao nuôi chúng bằng vậy”, ông Tiến kể.
Kinh phí nuôi lũ trẻ đều từ hoạt động kinh doanh du lịch, quán ăn và cà phê của vợ chồng ông. “Có thời gian trước đây, chúng tôi cũng nhận giúp đỡ từ tổ chức phi chính phủ và một vài cá nhân trong, ngoài nước. Nhưng tuyệt đối chúng tôi không đi xin và kêu gọi nhân đạo”, bà Vũ Ngọc Oanh cho biết.
Em Vũ Thị Kiều (11 tuổi) đang dạy bé Vũ Văn Đạt (8 tuổi) chơi piano.
Để phục vụ nhu cầu giải trí của trẻ em “xa mẹ”, ông Tiến đã mua cây đàn piano trên 30 triệu đồng. Cũng chính ông viết kịch bản, dạy đàn, hát cho các em. Ảnh: Phan Dương.
Ngôi nhà nơi các em ở có 5 tầng. Trong đó, tầng 1 và một phần tầng 2 sử dụng để kinh doanh quán cafe “xa mẹ” lấy nguồn kinh phí nuôi trẻ. Các bé gái ngủ trong một căn phòng rộng rãi tầng 3. Các em trai ngủ trên tầng 4. Ngoài ra còn có phòng học, phòng chơi và phòng ăn rộng rãi với đầy đủ tiện nghi. Ngoài giờ học, các em chỉ phải làm vệ sinh phòng ngủ.
Trong gian phòng truyền thống ở tầng 3, bà Oanh ngồi trên bàn giáo viên với nét mặt buồn vì mấy bé trai không tự giác dậy học bài và gấp chăn màn lộn xộn. Bà trách móc: “Quy định đã đặt ra rồi, các con phải biết giờ nào học, giờ nào chơi. Không học thì làm sao thoát khỏi cái nghèo, cái khổ”. Như biết lỗi, chúng cúi mặt xuống mấy quyển sách, vùi đầu vào học.
Hết giờ học chiều, bà cho các em được giải trí. Mấy cậu trai lớn chơi ở phòng bóng bàn, vài cậu choai choai chơi trò bi lắc. Số đông khác túm tụm trong căn phòng tầng 3 xem ti vi. Đôi mắt chúng đen tròn, có lúc rực sáng rồi ôm bụng cười nghiêng ngả với những pha hài trong phim “Những thiên thần áo trắng”.
Hết phim, một số tỏa đi tắm, số khác quây quần bên chiếc đàn piano. “1, 2, 3”, cô bé Kiều bắt nhịp rồi cùng các chị dạo từng bản đàn trong quyển vở, đôi môi mấp máy theo điệu nhạc.
Năm nay bé Vũ Thị Kiều học lớp 4 trường Nguyễn Văn Tố. “Em đến đây từ khi 3 tuổi. Xa mẹ quen rồi nên em không nhớ nữa. Ở đây có nhiều bạn lại còn được ông, bà dạy học đàn, học hát và học múa nên em rất vui”, cô bé kể.
Kiều vốn là cô bé yếu ớt lại khoảnh ăn. Bố mất sớm còn mẹ thì ốm liệt giường nên ông Tiến đã nhận nuôi cả 5 anh em. Giờ đây, 3 anh lớn của Kiều đã có nghề nghiệp và ra tự lập.
Là người lớn tuổi nhất trong đám trẻ, Quách Văn Điệp (20 tuổi, Ân Thi, Hưng Yên) giờ có thể thay ông Tiến chăm sóc, quản lý các em, thỉnh thoảng phụ giúp quán café. Điệp có vóc người thấp, khuôn mặt hiền, giọng nói từ tốn.
Em tâm sự: “Năm 11 tuổi, em mồ côi cha mẹ được ông, bà (ông Tiến, bà Oanh) nhận nuôi. Học đến lớp 10, em xin ông cho học lái ô tô. Bây giờ, em đã học xong rồi. Ngày ngày, em đưa lũ trẻ đến trường. Thỉnh thoảng đi dẫn tour du lịch với ông. Gần chục năm qua, em đã quá quen với nơi này. Bây giờ. ông cho phép em ra ngoài tự lập nhưng em thì muốn ở đây mãi để được cùng ông chăm sóc các em”.
Phòng ăn rộng rãi của hơn 30 em nhỏ ở đây. Ảnh: Phan Dương.
Không ai ngờ chị cấp dưỡng Trần Thị Quy (35 tuổi, ở Xuân Trường, Nam Định) cũng là một “đứa trẻ” được ông Tiến nhận nuôi. Chị nói: “Đúng ngày chồng tôi mất, tôi sinh đứa út nhưng 3 ngày sau, gia đình mới cho biết về cái chết của anh. Tôi chẳng thiết sống nhưng rồi 3 đứa con thì bỏ cho ai. Cuộc sống khó khăn, không thể cho chúng đến trường, tôi đành gửi hai đứa lớn nhờ ông Tiến nuôi hộ. Nhưng rồi đến năm 2009, tôi và đứa út cũng phải nhờ đến ông, bà”.
“Bây giờ, tôi ở đây nấu ăn và trông những đứa trẻ mồ côi, nghèo khổ. Cùng một hoàn cảnh nên tôi cũng thương chúng như 3 đứa con của mình. Hàng tháng, ông vẫn trả cho tôi hơn 2 triệu để tiết kiệm cho sau này”, chị Quy cho biết thêm.
Đồng hoàn cảnh với chị Quy, em Điệp, bé Kiều còn có hơn 600 người khác đã từng được nuôi dưỡng dưới mái nhà số 13, Ngô Văn Sở. Trong đó, có hơn 500 người đã trưởng thành và có việc làm ổn định, 120 người lập gia đình.
Có lẽ, động lực lớn nhất để ông Vũ Tiến kiên trì làm nhân đạo trong hơn 20 năm qua cũng bởi vì ông từng là một đứa trẻ mồ côi. “Tôi sinh ra trong một gia đình trí thức nhưng do hoàn cảnh xô đẩy, mồ côi cha, tôi mới thành đứa trẻ lang thang. Rửa bát, đánh giầy, bán báo…tôi đã làm cả nhưng rồi vẫn đói”, ông kể.
Vào quân ngũ, rồi làm công an, và bây giờ sang làm kinh doanh, ông luôn nghĩ cuộc đời đã cưu mang mình, giờ mình phải có nghĩa trả nợ cuộc đời. Vì thế mấy chục năm nay, ông dồn toàn tâm huyết vào những đứa trẻ bất hạnh.
Cậu bé Vũ Long Biên (trái) bị bỏ rơi ở cầu Long Biên lúc vừa chào đời, được ông TIến (phải) đưa về căn nhà này nuôi đưỡng. Bây giờ em đang học lớp 9, trường Nguyễn Văn Tố. Ảnh: Phan Dương.
Bây giờ, ông đã giao bớt công việc của Chương trình trẻ mồ côi xa mẹ cho con trai phòng khi trái nắng, trở trời nhưng không ngày nào ông, bà không đến đây để chăm lũ trẻ.
“Ban ngày, tôi thấy ông Tiến, bà Oanh đến trông nom, dạy học, dạy hát cho trẻ. Tầm gần 5h chiều, ông bà về, ngôi nhà lại khóa kín cửa để trẻ không ra ngoài. Thi thoảng mới thấy vài em nhỏ ở đây đi nhà thờ cầu nguyện. Chúng ngoan, lễ phép và cũng không bao giờ thấy ồn ào”, bà Nguyễn Thị Ngọc An, Tổ trưởng tổ dân phố số 32, Ngô Văn Sở, cho biết.
Còn theo anh Nguyễn Tuấn Sơn, công an khu vực phường Trần Hưng Đạo, ông bà Tiến, Oanh và những người làm trong nhà này đều quan tâm giúp đỡ cùng nuôi dưỡng và giáo dục các em.
“Ngày trước, nhiều người thấy vợ chồng ông ấy làm từ thiện cứ nghĩ là lợi dụng trẻ em. Vậy nên, ông Tiến đã không cho trẻ đi bán báo, đánh giầy nữa mà cho các em đi học văn hóa. Từ cấp 2, nhiều em đã học nghề. Đến năm 18 tuổi, ông cho ra ngoài tự lập. Vợ chồng ông ấy tự kinh doanh lấy tiền nuôi trẻ”, anh nói.
Theo Vnexpress