“Không có mẹ, bố nó lo lắng cho con phờ phạc cả người mà vẫn chẳng đâu vào đâu, học hành thì sa sút. Nhiều lúc mẹ nó điện về, tôi cũng bảo, về sớm thôi, kiếm tiền thế đủ rồi, về mà dậy con, chứ không thì hỏng hết cả rồi !”…
Nhiều năm chấp nhận để vợ đi làm xa, và nhận về mình tất cả những gánh nặng của cuộc đời, những người đàn ông như anh Tương đều bảo, họ không thấy nề hà gì vì ngay từ khi đã quyết là vợ chồng đã tính đến những khó khăn, vất vả đó rồi.
Dù đôi lúc những dèm pha, dè bỉu từ những người không hiểu chuyện, cũng khiến cho bước chân của những người đàn ông này loạng choạng, nhưng rồi, khi lấy lại được niềm tin, họ lại có thể đứng vững và tiếp tục chèo lái cho cuộc sống của cả gia đình. Duy chỉ có việc, vừa phải làm bố, vừa phải thay vợ làm mẹ để chăm sóc và nuôi dạy những đứa con, là những người đàn ông này gặp khó khăn nhiều hơn cả.
Con khóc vì đói, bố lại bắt đi … vệ sinh
Chúng tôi tìm về nhà anh Nguyễn Văn Phùng (Thanh Liêm – Hà Nam) có vợ đi xuất khẩu lao động Đài Loan đã 3 – 4 năm nay. Anh Phùng đi vắng. Chỉ có bà Vuốt là mẹ của anh Phùng ở nhà.
Vừa phải làm bố, lại vừa phải làm mẹ, không ít người đàn ông cảm thấy lúng túng
Bà Vuốt bảo: “Mẹ nó đi làm khi nó mới có hơn 2 tuổi. Hồi mẹ nó mới đi, nó cứ khóc suốt, đến gầy rạc cả người. Bố nó thì có 3 con rồi mà vẫn vô tâm, có biết chăm sóc con cái ra sao đâu. Có hôm, đang đêm, con bé tỉnh dậy, rồi ọ ọe khóc, bố nó dỗ thế nào cũng không chịu ngủ tiếp, tưởng cháu buồn đi tiểu nên bố mới bế cháu ra sân, nhưng dỗ thế nào con bé cũng không chịu “tè”. Mãi một lúc sau tôi mới đoán là cháu đói. Nên bảo bố nó pha bình sữa cho cháu uống. Thế là, nhìn thấy cái bình sữa, con bé nín bặt, rồi vơ vào tu lấy tu để, một lúc sau no bụng thì tự giác đi ngủ”.
“Nhiều lúc nghĩ mà thấy thương cháu, mới hơn 2 tuổi đầu đã phải xa mẹ. Dù có bà chăm thêm, nhưng cũng không bằng ở với mẹ. Nhưng mà biết làm thế nào, mẹ nó không đi làm thì cứ nghèo mãi à? Sau này chúng nó cũng còn phải học hành nữa chứ, cứ trông vào mấy sào ruộng không thì khổ quá, vì bố nó yếu chứ không khỏe được như người ta”.
Khốn khổ canh con gái đến tuổi yêu
Đang dở câu chuyện với bà Vuốt, thì một cô bé mặc áo đồng phục học sinh bước vào, Sau khi chào bà, chào khách, cô bé vội cất cặp sách rồi lại chạy ra sân, ngồi lên xe đạp phóng vút đi.
Thấy tôi tò mò, bà vội giải thích: “Nó là con gái cả của anh Phùng, năm nay lên lớp 12 đấy cô ạ”.
Rồi bà nói tiếp: “Bố nó cũng khốn khổ với con bé này. Mới tí tuổi đầu mà nghe đâu đã có bạn trai rồi. Mẹ nó lo lắm cứ điện về nhắc nó suốt, còn bố nó thì cấm tuyệt đối đấy. Vì ở mạn dưới, có nhà, mẹ đi xuất khẩu, con ở nhà với bố, chả biết yêu đương thế nào mà con mang bầu bố cũng không biết. Đến khi cái bụng to lùm lùm, thì phải nghỉ học để đẻ. Cho nên, bây giờ mới 17 tuổi đã làm mẹ, mà còn chưa tốt nghiệp cấp 3″.
“Còn con bé này, học cách nhà gần 6km, nhưng bố nó vẫn phải đi theo kiểm tra suốt, rồi cũng sợ nó ăn chơi lêu lổng, nên bố nó quản lý tiền của bọn nó chặt chẽ lắm, không cho tiền tiêu vặt bao giờ. Đến tiền mua băng vệ sinh, nó cũng phải điện sang xin mẹ, rồi mẹ nói bố đưa chứ nó không dám hỏi bố. Thế mà sao nó vẫn trốn học đi chơi được”.
“Còn cả thằng con thứ 2 cũng nghịch lắm cô ạ, bố nó canh 2 đứa này cũng bạc cả người mà chẳng đâu vào đâu, học hành thì sa sút. Nhiều lúc mẹ nó điện về, tôi cũng bảo, về sớm thôi, kiếm tiền thế đủ rồi, về mà dạy con, chứ không thì hỏng hết cả rồi!”
Theo VNN