Mặc dù lúc này tình cảm không còn như trước nhưng bạn vẫn lo lắng cho người ấy. Bạn sợ rằng việc chia tay sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của họ, thấy có lỗi và muốn bù đắp. Thật ra đó có phải điều người ấy muốn?
Đừng nói bóng gió quá khứ
Dù cho không còn gặp mặt nhau nữa, đừng bao giờ nhắc về người ấy với danh nghĩa “tình xưa nghĩa cũ”. Điều này khiến người ấy không nhẹ lòng. Nếu muốn người ấy có một cuộc sống tốt và sớm tìm được hạnh phúc, đừng tạo cho người ta cảm giác có lỗi. Dẫu sao chuyện cũng đã qua và bạn không thể thay đổi được nữa, nếu có quay lại thì tình cảm cũng chẳng còn như phút ban đầu.
Đôi khi, phải biết im lặng ở một giai đoạn nào đó để cùng ngẫm lại để trưởng thành hơn. Những status tâm trạng trên YM, hay vài dòng ủ ê trê mạng xã hội chỉ để “bóng gió” ai kia và luôn khiến họ cảm thấy rằng họ có lỗi, điều đó thật sự không tốt cho người ấy và cho chính bạn.
Không nên thể hiện cảm xúc quá nhiều
Sau khi chia tay, bạn rối loạn, bạn hay hành động điên rồ, cảm xúc của bạn trồi sụt thất thường… và bạn thể hiện ra trọn vẹn để rồi người cũ thấy được điều đó. Bạn nghĩ những điều này có thể kéo người ấy quay về? Có thể níu giữ yêu thương trở lại? Có thể khiến mọi thứ hạnh phúc như lúc đầu? Không, nó chỉ khiến bạn trở nên đáng thương và người ấy luôn cảm thấy có lỗi.
Ngược lại, khi bạn thể hiện rằng bạn đã quên, bạn đang hạnh phúc bên người mới, chuyện cũ chỉ là một giấc mơ ngắn ngủi… người ấy có thể sẽ đau lòng vì sự vô tâm vô tình của bạn. Dẫu sao cũng đã từng có những kỉ niệm đẹp, bạn không thể phủi tay ngay như vậy được.Vì vậy, im lặng và biết kiểm soát cảm xúc là cách tốt nhất. Hãy cho người cũ thấy là bạn sống tốt, bạn vui vẻ, bạn rất ổn. Thế là đủ. Đừng cố ngụy trang, che đậy, hoặc làm quá lên điều gì. Sự im lặng đôi khi mang lại những thông điệp tích cực hơn là việc thể hiện.
Tránh gặp gỡ một thời gian
Nếu nghĩ cho người cũ, hãy tránh gặp mặt cho đến khi người đó đã thật sự mất hết cảm giác với bạn. Bạn cũng biết rằng chính bản thân mình không muốn “yêu lại từ đầu” nữa. Vậy nên việc gặp nhau sẽ dẫn đến hai trường hợp. Thứ nhất, có thể cả hai sẽ xem nhau như người xa lạ. Thứ hai, có trò chuyện nhưng theo kiểu gượng ép, xã giao, thiếu tự nhiên.
Khi đã chia tay, hãy biến mất tạm thời khỏi cuộc sống của người ta, dẫu cho thi thoảng bạn có nhớ về người cũ thì cũng đừng hẹn gặp mặt hay cố tình đi ngang nhà làm gì. Biết rằng khó, nhưng nếu bạn muốn tốt cho người cũ, bạn bắt buộc phải hành động như thế.
Quan tâm có chừng mực
Bạn muốn làm điều tốt cho người cũ để “bù đắp” những lỗi lầm xưa cũ, không có nghĩa là hễ người ta nhờ gì là bạn giúp, thấy người ta buồn là bạn hỏi, thấy người ta vui vẻ thì bạn chúc mừng… Đừng can thiệp quá mức vào cuộc sống riêng tư của người cũ khi người ấy không còn bận lòng về bạn nữa. Người cũ cũng không cần sự quan tâm kiểu trách nhiệm hay thương xót, càng không cần sự quan tâm giống như khi còn yêu nhau.
Khi nào người ta nhờ, bạn hãy giúp (trong khả năng có thể). Ngoài ra, khi người cũ buồn vui vu vơ, cách tốt nhất là phớt lờ.
Khi bạn làm được những điều này, thì hãy yên tâm rằng bạn là một “người cũ có trách nhiệm”, biết nghĩ cho người xưa và hành động một cách tích cực. Dù đã chia tay nhưng người ấy sẽ vẫn luôn trân trọng những kỉ niệm xưa và có ấn tượng tốt về bạn.
(Theo TTVN)
(Theo zing)