Đám mây xoắn có hình dạng giống một đuôi lợn khổng lồ ở giữa dải Ngân Hà. Ảnh: Đại học Keio. |
Shinji Matsumura – một nghiên cứu sinh tiến sĩ của khoa Vật lý thuộc Đại học Keio tại Nhật Bản – cùng các đồng nghiệp phát hiện hai đám mây khổng lồ ở trung tâm của dải Ngân Hà nhờ kính thiên văn radio của Đài Thiên văn Quốc gia Nhật Bản. Chúng cách hệ Mặt Trời khoảng 30.000 năm ánh sáng và xoay theo hai quỹ đạo khá gần nhau. Một trong hai đám mây có dạng xoắn giống đuôi lợn. Quỹ đạo của nó và đám mây kia giao nhau ở phần cuối của “đuôi”, Science Daily đưa tin.
Trước đây giới thiên văn từng phát hiện hai đám mây xoắn khổng lồ ở trung tâm dải Ngân Hà, song đám mây mà nhóm nghiên cứu của Đại học Keio tìm ra có cấu trúc xoắn rõ rệt hơn hai đám mây kia. Nó là một manh mối quan trọng đối với nỗ lực nghiên cứu đặc tính và chuyển động của những đám mây khí trong vành đai vật chất của thiên hà cũng như cấu trúc của các trường điện từ.
“Mật độ các chất khí trong đám mây lớn dần theo thời gian. Một ngày nào đó trong tương lai, chúng sẽ cô đặc thành một ngôi sao”, Matsumura nhận định.
(theo vnexpress)