Theo trang Daily Mail, “dấu chân” in hằn trên sao Hỏa thực chất là vết lốp của tàu thăm dò Curiosity khi di chuyển trên bề mặt hành tinh đỏ. Nó cho thấy nhiều điểm tương đồng với dấu chân mang tính biểu tượng của người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng vào ngày 20/7/1969 trong sứ mệnh Apollo 11 của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Bức ảnh mới do camera Navcam ở bên phải tàu Curiosity chụp vào ngày thứ 57 trên sao Hỏa (3/10/2012, lúc 19:08:27 giờ UTC).
Các nghiên cứu về vết tích để lại của các tàu thăm dò Spirit và Curiosity hé lộ, thời gian để những dấu vết này bị gió xóa sạch thường chỉ là 1 năm trên sao Hỏa hay 2 năm trên Trái đất.
Một trong những dấu chân mang tính biểu tượng của phi hành gia Mỹ Neil Armstrong – người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng – vẫn còn lưu lại nơi này. Ảnh: NASA
Trong khi đó, dấu chân mang tính biểu tượng của nhà du hành vũ trụ Mỹ Neil Armstrong dự kiến sẽ tiếp tục lưu lại trên bề mặt Mặt trăng một thời gian dài nữa (theo các chuyên gia NASA là tới 1 triệu năm vì trên Mặt trăng không có gió để thổi bay nó đi).
Tàu thăm dò Curiosity, trị giá 2,5 tỷ USD của NASA đã đổ bộ xuống sao Hỏa ngày 5/8 với mục đích tìm hiểu xem liệu hố Gale trên hành tinh đỏ từng hội đủ điều kiện cho đời sống vi khuẩn tổn tại hay không. Cỗ xe robot 6 bánh này mới chỉ trải qua khoảng 2 tháng đầu tiên trong sứ mệnh dự kiến kéo dài 2 năm của mình.
Mặc dù tàu Curiosity đang di chuyển tới một địa điểm có tên gọi là Glenelg, nhưng mục tiêu chính của tàu thăm dò này vẫn là tới được chân núi Sharp, nằm ở rìa hố Gale và cách trung tâm hố Gale khoảng 5,5km. Tàu Curiosity hiện đã phát hiện bằng chứng cho thấy, vùng đất nhấp nhô phía chân núi Sharp từng có nước cách đây rất lâu.
Theo VNN